Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã khơi dậy, phát huy ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức trong quan hệ với gia đình và cộng đồng. Việc triển khai thực hiện phong trào đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự tham gia tích cực của cán bộ, hội viên phụ nữ.
Bằng những việc làm hiệu quả, các cấp hội phụ nữ Quảng Ninh đã có nhiều đóng góp trong việc tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở các địa phương. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở các địa phương đã tạo ra sức lan tỏa từ mỗi gia đình đến cộng đồng, góp phần thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, hội viên và người dân.
Chuyển biến tích cực trong nhận thức
Hằng năm, phong trào thi đua “Phụ nữ Quảng Ninh tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Phong trào được gắn kết chặt chẽ với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Dân vận khéo” bằng nhiều nét mới phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, vùng miền.
Các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về thực hiện gia đình “5 không, 3 sạch” đã được các cấp hội tổ chức với nhiều hoạt động tiêu biểu, nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng hỗ trợ chị em tổ chức cuộc sống gia đình với các tiêu chí: No ấm, tiến bộ, hạnh phúc; khẳng định vai trò của gia đình hạnh phúc bền vững sẽ góp phần phát triển KT-XH, ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội; tạo động lực để mọi hộ gia đình hội viên nỗ lực thực hiện các tiêu chí đạt gia đình văn hóa…
Điển hình như trên địa bàn huyện Ba Chẽ, đặc thù là huyện miền núi, phụ nữ phần lớn làm nông nghiệp, nên trình độ nhận thức còn hạn chế. Việc giữ thói quen về những hủ tục có từ lâu đời đã ăn sâu vào nếp sống, cách làm ở đây. Nhưng nhờ có sự tuyên truyền tích cực của cán bộ hội phụ nữ trên địa bàn, giờ đây chị em đã quyết tâm bỏ đi những phong tục, tập quán lạc hậu để xây dựng cuộc sống gia đình ngày càng văn minh hơn. Chị em đã biết sắp xếp nhà ở ngăn nắp, chuồng trại được xây dựng đặt xa nơi ở của gia đình, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, không xả rác bừa bãi ra môi trường…
Chủ tịch Hội LHPN huyện Ba Chẽ Phạm Thùy Trang cho biết: Với quyết tâm xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xóa đói, giảm nghèo cho chị em, chúng tôi đã hướng dẫn, cầm tay chỉ việc giúp chị em thực hiện tốt các tiêu chí của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Một diện mạo mới đã thay thế cho lối sống tạm bợ, thiếu vệ sinh trước đây. Đặc biệt chị em đã tin tưởng vào cách làm của tổ chức hội và nhân lên nhiều gia đình, nhiều hội viên làm theo. Đời sống vật chất, tinh thần của chị em đang ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét hơn.
Kết quả thực hiện các tiêu chí “Gia đình 5 không, 3 sạch” của các cấp hội phụ nữ đã góp phần tích cực hoàn thành 11/19 tiêu chí về đích NTM và được cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương ghi nhận. Nhiệm kỳ 2016-2021, các cấp hội toàn tỉnh đã hỗ trợ 2.688 gia đình đạt 8 tiêu chí “Gia đình 5 không, 3 sạch” (vượt 15% so với chỉ tiêu nhiệm kỳ), thực hiện 138 mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch”, 120 mô hình “Chi hội phụ nữ sống xanh”. Trong đó, các mô hình về bảo vệ môi trường đã trở thành nét riêng tiêu biểu của tổ chức hội phụ nữ các cấp. Nổi bật là mô hình “Biến rác thành tiền” được thực hiện ở 16/16 địa phương, đơn vị, với 100% cơ sở hội và 85% chi hội thực hiện tại hơn 50.000 hộ, số tiền thu được là trên 3 tỷ đồng.
Lan tỏa tới cộng đồng
Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo sâu sát tới từng cơ sở hội tiếp tục duy trì và nhân rộng hiệu quả 39 CLB “Phụ nữ nuôi, dạy con tốt”, 345 CLB “Phụ nữ xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, 236 mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”… Hoạt động của các mô hình, CLB đã trực tiếp tuyên truyền đến chị em những kiến thức liên quan đến sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, nuôi dạy con tốt.
Trong thực hiện nếp sống văn minh, các cấp hội đã tổ chức những buổi truyền thông dưới nhiều hình thức như hội thi, hội thảo, giao lưu sân khấu về xây dựng nếp sống văn hóa, giá trị văn hóa gia đình, tiêu chuẩn và bộ quy tắc ứng xử văn hóa. Hội cũng đã phát hành 10.000 cuốn tài liệu sinh hoạt định hướng công tác tuyên truyền xây dựng đời sống văn hóa; thành lập 122 mô hình “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, không rải vàng mã khi đưa tang”, “Ông bà gương mẫu, con cháu thảo hiền”, 2 mô hình “Văn hóa phụ nữ vùng du lịch, di sản”, 191 mô hình “CLB xây dựng gia đình hạnh phúc”…
Việc phát động phong trào “Mỗi phụ nữ lựa chọn một hình thức văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao quần chúng phù hợp để rèn luyện sức khỏe” đã đáp ứng nguyện vọng và thu hút ngày càng đông phụ nữ tham gia, tạo thành nếp sống văn hoá lành mạnh ở cộng đồng dân cư. Đến nay, 100% cấp hội có ít nhất 2 loại hình văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao để thu hút chị em tham gia, trong đó 100% địa phương, đơn vị thành lập 215 mô hình “CLB phụ nữ chơi bóng chuyền hơi”; phát triển, nhân rộng mô hình CLB dân vũ trong toàn tỉnh.
Cùng với đó, phụ nữ cũng là nhân tố tích cực tham gia bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của tỉnh. Hội viên phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên… đã và đang phát huy vai trò nòng cốt trong gìn giữ, trực tiếp truyền dạy văn hóa truyền thống địa phương, tích cực, mạnh dạn phát triển dịch vụ du lịch nhằm giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa đến với du khách.
Phát huy truyền thống tốt đẹp, chủ động, sáng tạo hưởng ứng các phong trào thi đua, phụ nữ Quảng Ninh hăng hái tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia; chăm lo, vun đắp hạnh phúc gia đình; nỗ lực vươn lên khẳng định vai trò, vị thế to lớn của phụ nữ trong đời sống xã hội; tạo tiền đề quan trọng và động lực mới để công tác hội và phong trào phụ nữ ngày càng lớn mạnh.