Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ninh

Quang Ninh Wonmen's union

Phụ nữ Quảng Ninh: "Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang"

Bài đăng gần đây:

Vân Đồn: Lan tỏa các mô hình bảo vệ môi trường của phụ nữ

Qua 12 năm xây dựng NTM của huyện có sự đồng hành tích cực của các cấp hội phụ nữ. Họ chính là những nhân tố tích cực nhất khi triển khai cuộc vận động “Toàn dân chung tay giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường trên địa bàn dân cư huyện Vân Đồn”; nổi bật là các phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, “5 không, 3 sạch” do phụ nữ làm nòng cốt, nhằm xây dựng thói quen giữ gìn vệ sinh chung và giáo dục ý thức, trách nhiệm của phụ nữ đối với công tác BVMT.

Mỗi năm, huyện tổ chức từ 3-4 đợt cao điểm đồng loạt ra quân tổng vệ sinh môi trường vào các dịp lễ, tết, sự kiện. Phong trào “Ngày chủ nhật xanh” được thực hiện thường xuyên vào sáng chủ nhật hằng tuần tại các thôn, khu dân cư. Bà Hà Thị Liên (thôn 13, xã Hạ Long) chia sẻ: “Chúng tôi rất vui vì phong trào lan tỏa không chỉ đến hội viên phụ nữ, mà cả “cánh mày râu” các gia đình. Nhìn đường làng, ngõ xóm sạch sẽ sau mỗi cuối tuần, ai nấy đều phấn khởi, có thêm động lực để duy trì việc làm này vào mỗi sáng chủ nhật”.

Xây dựng mô hình “Gia đình 5 không, 3 sạch” được các cơ sở hội phụ nữ rà soát, nắm bắt tình hình hội viên, từ đó lựa chọn, vận động và hỗ trợ, giúp đỡ đạt tiêu chí mô hình. Đây cũng là mô hình “Dân vận khéo” mà Hội LHPN huyện đăng ký tham gia trong chương trình xây dựng NTM, đô thị văn minh. Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn Hội có 20 đơn vị đăng ký mô hình dân vận khéo (14 mô hình tập thể, 6 mô hình cá nhân); giúp đỡ 32 hộ gia đình đạt “5 không, 3 sạch”.

Hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, Hội Phụ nữ cho ra đời mô hình “Phụ nữ dùng làn đi chợ”. Hội phụ nữ các cấp tích cực vận động hội viên sử dụng làn đi chợ, túi nilon sinh học thân thiện môi trường; thùng đựng rác tái chế; phân loại rác từ hộ gia đình. Đây cũng là cơ sở để thực hiện thành công mô hình “Biến rác thành tiền” tại 12/12 cơ sở hội phụ nữ, với 61/72 chi hội tham gia; trong đó nhiều địa phương đã nhân rộng mô hình này đến 100% chi hội phụ nữ. Toàn bộ số tiền thu được từ bán phế liệu từ đầu năm 2022 đến nay (gần 20 triệu đồng) được sử dụng vào việc thăm hỏi, tặng quà các hội viên, phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Mô hình “Ủ rác hữu cơ” dù mới được Hội triển khai nhưng đã cho thấy hiệu quả tích cực. Mô hình nhằm tái chế chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp quy mô hộ gia đình, giảm thiểu rác thải ra môi trường. Hiện mô hình được thực hiện tại 12/12 cơ sở hội với 195 hộ hội viên tham gia, ủ được khoảng 20 tấn phân hữu cơ/tháng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện, khẳng định: Trước kia, việc triển khai các mô hình, phong trào không mấy thuận lợi, vì chị em chưa thấy được lợi ích mang lại, vẫn giữ nếp sống, nếp suy nghĩ cũ. Nhưng 10 năm trở lại đây, nhất là trong những năm gần đây, khi kinh tế phát triển, được cán bộ hội làm mẫu, chị em đã sẵn sàng chung tay thực hiện các mô hình do hội phát động, trở thành những nhân tố tích cực, góp phần quan trọng giữ gìn huyện đảo ngày càng xanh, sạch, đẹp và vệ sinh môi trường.

Theo Hằng Ngần – TTTT tỉnh
Facebook
Twitter
Telegram
Email

tin tức - sự kiện

Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Hôm qua: 5
Trong tuần: 117

Trong 30 ngày qua: 693
Tổng truy cập: 955084

Đăng ký nhận tin.
Vui lòng bật JavaScript trong trình duyệt của bạn để hoàn thành Form này.