Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ninh

Quang Ninh Wonmen's union

Phụ nữ Quảng Ninh: "Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang"

“Vai trò của Hội phụ nữ các cấp tỉnh Quảng Ninh trong công tác phòng chống mua bán người”

Trong những năm qua, với sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền và các sở, ban, ngành chức năng, công tác phòng chống tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã thu được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, do đặc thù là tỉnh biên giới, có nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở thông thương với Trung Quốc (nhất là cửa khẩu quốc tế Móng Cái) nên các đối tượng mua bán người và bọn tội phạm thường tìm đến hoạt động tại Quảng Ninh, biến Quảng Ninh trở thành địa bàn trung chuyển nóng các vụ buôn bán người với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp.

Các đối tượng mua bán người hình thành nhiều đường dây, băng nhóm có tổ chức, có sự cấu kết chặt chẽ giữa các nhóm tội phạm trong và ngoài nước, giữa địa bàn biên giới với nội địa, đưa dẫn người bằng cả đường hợp pháp (xuất nhập cảnh hợp pháp qua cửa khẩu) hoặc bất hợp pháp (xuất nhập cảnh trái phép). Chúng thường tập trung dụ dỗ những phụ nữ và trẻ em nhẹ dạ cả tin, sống ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn, miền núi dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp, kém hiểu biết, hoặc những thanh niên, phụ nữ, trẻ em không chịu học hành, ăn chơi, đua đòi, lười lao động để lừa gạt vào các hoạt động mại dâm, mang thai hộ hoặc bán làm vợ, làm lao động bất hợp pháp nơi xứ người. Nạn nhân buôn bán người có nguy cơ bị bóc lột, làm những việc độc hại, nguy hiểm (nô lệ thời hiện đại), thường bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe thể chất và tinh thần. Có những phụ nữ và trẻ em gái may mắn trốn thoát hoặc được giải cứu nhưng khi trở về, họ lại rơi vào trạng thái trầm cảm hoặc mắc một số chứng bệnh do sợ hãi và những đau khổ mà họ đã trải qua.

Theo thống kê số liệu từ 2016 đến nay, lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận 738 người, trong đó có 221 nạn nhân bị mua bán trở về (trong đó 92,7% là phụ nữ, 10,8% trẻ em, trong đó có cả trẻ sơ sinh, song các nạn nhân đều thuộc các tỉnh ngoài, không có nạn nhân là người tỉnh Quảng Ninh). Trước thực trạng đó, với vai trò là một tổ chức mang tích chất về giới, có chức năng chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ, trẻ em trước các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, đặc biệt là tội phạm mua bán người qua biên giới; nhiều năm qua Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương, thường xuyên trao đổi thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc cảnh giác, phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm buôn bán người; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng trong việc tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về, cụ thể như:

Đối với các trường hợp chị em phụ nữ là nạn nhân bị buôn bán trở về từ các cửa khẩu biên giới, Hội LHPN các cấp đã phối hợp tích cực cùng các cơ quan, ban, ngành chức năng tiếp nhận, gặp gỡ, trao đổi, giúp đỡ về tiền mặt và một số vật dụng sinh hoạt cá nhân để chị em sử dụng trong thời gian chờ trở về địa phương; phối hợp với cơ quan Tư pháp cùng cấp đến tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ bị buôn bán trở về làm các thủ tục như cấp lại chứng minh thư, hộ khẩu, làm giấy khai sinh hoặc giúp vay vốn tạo việc làm…phối hợp Sở Lao động, Thương binh và xã hội tổ chức các lớp dạy nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt; Phối hợp với Công an tỉnh tổ chức các cuộc truyền thông, tập huấn, tọa đàm, hội thảo về phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tổ chức tín chấp, hỗ trợ chị em được vay các nguồn vốn ưu đãi tạo sinh kế bền vững. Cùng với đó, Hội LHPN các cấp còn liên hệ, kết nối với các trung tâm bảo trợ xã hội, các nhà tạm lãnh, Ngôi nhà bình yên… và kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp quan tâm, hỗ trợ nơi ăn chốn ở, việc làm, xây nhà mái ấm tình thương để chị em có thể sớm hòa nhập cộng đồng và có thu nhập ổn định trang trải cho cuộc sống hàng ngày.

Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ nạn nhân, Hội LHPN các cấp còn tăng cường công tác tuyên truyên nâng cao nhận thức cảnh giác cho chị em phụ nữ thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt CLB, sinh hoạt chi/tổ hội viên, đặc hiệt là phụ nữ các địa phương gần biên giới với Trung Quốc như: thành phố Móng Cái, huyện Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu, Tiên Yên…tránh việc vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê để bị lừa bán; chủ động trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ trẻ em; vận động người thân trong gia đình, quần chúng nhân dân mạnh dạn đấu tranh tố giác tội phạm mua bán người, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Với mục đích nâng cao nhận thức về phòng chống mua bán người cho các nữ công nhân ngoại tỉnh làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Móng Cái và huyện Hải Hà (02 địa phương tiếp giáp với Trung Quốc), năm 2019, Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh đã thành lập và duy trì hoạt động 04 câu lạc bộ “Nữ công nhân” với sự tham gia của 90 nữ công nhân; tổ chức 09 lớp tập huấn về kiến thức, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng chăm sóc sức khỏe, kiến thức phòng chống mua bán người, quản lý tài chính cá nhân, công nghệ thông tin cho 400 nữ công nhân lao động; tổ chức Hội chợ truyền thông cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về Quyền của người lao động, di cư an toàn, phòng chống mua bán người với sự tham gia của 1.500 người; tổ chức 03 lớp tập huấn kỹ năng truyền thông bằng kỹ thuật photovoice, di cư vì mục đích sinh kế an toàn, quyền của người lao động ngoại tỉnh, phòng chống mua bán người và cưỡng bức lao động, kỹ năng ứng phó với các tình huống gây căng thẳng, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, kỹ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề bằng phương pháp phân tích tình huống có sự tham gia cho 120 nữ công nhân; 01 cuộc đối thoại chính sách về quyền của người lao động di cư theo quy định của nhà nước, của tỉnh và của công ty; 01 diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm sống an toàn, giảm thiểu nguy cơ trở thành nạn nhân của nạn mua bán người và bóc lột lao động cho 100 nữ công nhân khu công nghiệp Texhong Ngân Long.

Năm 2020, thực hiện sự chỉ đạo của TW Hội LHPN Việt Nam về việc “Đăng tải và vận hành địa chỉ an toàn cho phụ nữ và trẻ em trên bản đồ số VMAP”, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Sở Tư pháp lựa chọn, giới thiệu các địa chỉ Trung tâm trợ giúp pháp lý để đăng tải lên bản đồ số VMAP; chỉ đạo Hội LHPN các địa phương phối hợp cung cấp các địa chỉ tin cậy cộng đồng lên bản đồ số, nhằm giúp cho chị em phụ nữ bị buôn bán trở về, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương có được thông tin, dễ dàng tiếp cận các địa chỉ tin cậy, các trung tâm tư vấn pháp luật, tổ tư vấn cộng đồng, hỗ trợ, tư vấn cho chị em khi cần thiết.

Thực hiện Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại Tiếp cận liên ngành nhằm thay đổi hành vi, tăng cường hỗ trợ tiếp cận pháp lý và tái hòa nhập cho nạn nhân” do Tổ chức Di cư quốc tế- Cơ quan Di cư Liên hiệp quốc tại Việt nam (IOM) tài trợ, tháng 7/2020, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với nhóm chuyên gia của Tổ chức IOM và Hội LHPN thành phố Hạ Long tiến hành 01 cuộc khảo sát đánh giá đầu vào của người dân tại 03 xã, phường của thành phố Hạ Long về nhận thức, thái độ, hành vi (KAP) và nhu cầu đi di cư lao động hợp pháp ở nước ngoài.

Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục triển khai các hoạt động của Dự án như: Phát động cuộc thi sáng tác các tác phẩm nghệ thuật (nhạc, họa, thơ) về phòng chống mua bán người;Tập huấn cho cán bộ nòng cốt Hội phụ nữ cơ sở của thành phố Hạ Long về kiến thức, kỹ năng phòng chống mua bán người;Truyền thông nâng cao nhận thức về nguy cơ bị mua bán người và nô lệ thời hiện đại cho học sinh các trường THPT Hoành Bồ và Trung tâm GDTX tỉnh; In các sản phẩm truyền thông với thông điệp “Nghĩ trước bước sau” trên áo, túi, khẩu trang phát đến cộng đồng dân cư làm tài liệu tuyên truyền về phòng tránh bị buôn bán, khi di cư lao động ở nước ngoài.

Để tiếp tục nâng cao vai trò của Hội LHPN các cấp trong công tác đấu tranh phòng chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại, Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh xác định một số phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đó là: (1)Tập trung chỉ đạo Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em; nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa, tố giác tội phạm trong cộng đồng dân cư, góp phần ngăn chặn tệ nạn buôn bán người qua biên giới.(2)Tiếp tục chỉ đạo Hội LHPN các xã giáp biên tuyên truyền, vận động người dân không tự ý vượt biên trái phép sang Trung Quốc lao động làm thuê, phòng tránh mua bán người.(3) Chỉ đạo Hội LHPN các địa phương, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng (Công an, LĐTBXH, Tư pháp) tuyên truyền Luật phòng, chống mua, bán người đến hội viên phụ nữ và cộng đồng dân cư, nhằm tố giác tội phạm, đồng thời quan tâm, gần gũi, giúp đỡ, tránh kỳ thị, xa lánh với những nạn nhân bị buôn bán trở về, hỗ trợ cho họ các thủ tục cần thiết để họ sớm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.(4) Phối hợp tổ chức các hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm, tín chấp nguồn vốn vay, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ yếu thế trong xã hội, phụ nữ bị buôn bán trở về để họ không bị bọn mua bán người lợi dụng dụ dỗ. (5) Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng trong công tác quản lý các trường hợp phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, cho và nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài…

Với các nỗ lực trên, hy vọng thời gian tới, công tác phòng chống mua bán người sẽ được Hội LHPN các cấp tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện đạt kết quả tốt, góp phần giảm thiểu các vụ mua bán người trên địa bàn tỉnh.

Ban CSLP Hội LHPN tỉnh

Facebook
Twitter
Telegram
Email

tin tức - sự kiện

Thống kê truy cập

Hôm nay: 31
Hôm qua: 3
Trong tuần: 230

Trong 30 ngày qua: 693
Tổng truy cập: 957236

Đăng ký nhận tin.