Lý tưởng nhất cho sức khỏe, đó là bạn hãy đi ngủ sớm và thức dậy sớm. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thực hiện được điều này vì các vấn đề liên quan công việc, con cái…
Lựa giờ ngủ phù hợp
Nếu bạn sắp xếp được ngủ sớm và dậy sớm, đó là một điều lý tưởng nhất cho sức khỏe của bạn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thực hiện được kế hoạch đó, do công việc, chăm sóc con cái.
Tuy không thể thực hiện ngủ sớm, dậy sớm, nhưng bạn nên đảm bảo về thời lượng ngủ và nhất quán về thời gian đi ngủ. Đi ngủ khi trời tối có thể đảm bảo bạn được nghỉ ngơi đầy đủ đồng thời giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ hơn.
Ngủ đủ giấc sẽ giúp bạn có một tinh thần khỏe mạnh khi thức giấc (Ảnh: SHUTTERSTOCK).
Bạn có thể tìm ra giờ đi ngủ phù hợp cho bản thân dựa trên thời điểm bạn thức dậy trong buổi sáng và đếm ngược lại 7 tiếng (mức thời gian tối thiểu được khuyến nghị mỗi đêm cho người lớn).
Giả sử bạn thức dậy lúc 6h sáng thì bạn nên cân nhắc việc ngủ trước 23h.
Hãy cố gắng duy trì thời gian ngủ của bạn kể cả vào cuối tuần. Việc thức khuya hay ngủ nướng vào cuối tuần sẽ khiến bạn khó có thể trở lại đúng hướng trong tuần làm việc mới.
Chúng ta nên ngủ bao nhiêu là đủ?
Tùy theo độ tuổi sẽ cần số giờ ngủ phù hợp. Hầu hết các chuyên gia đều khuyến nghị rằng người lớn nên ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm.
Khuyến nghị giờ ngủ theo độ tuổi như sau:
0-3 tháng tuổi: Ngủ 14-17 giờ/ngày.
4-12 tháng tuổi: Ngủ 12-16 giờ/ngày.
1-2 tuổi: Ngủ 11-14 giờ/ngày.
3-5 tuổi: Ngủ 10-13 giờ/ngày.
9-12 tuổi: Ngủ 9-12 giờ/ngày.
13-18 tuổi: Ngủ 8-10 giờ/ngày.
18-60 tuổi: Ngủ ít nhất 7 giờ mỗi đêm.
61-64 tuổi: Ngủ 7-9 giờ mỗi đêm.
Trên 65 tuổi: Ngủ 7-8 giờ mỗi đêm.
Tác hại của việc thiếu ngủ
Nếu bạn đột nhiên cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày thì rất có thể rằng cơ thể bạn đang thiếu ngủ. Việc thiếu ngủ có thể khiến bạn bị tai nạn, cáu kỉnh và hay quên.
Ngủ không đủ thường xuyên dẫn đến các hậu quả lâu dài tới sức khỏe, có nguy cơ gây nên các bệnh như: Trầm cảm; béo phì; bệnh tim; bệnh tiểu đường; huyết áp cao…
Tác hại của việc ngủ nhiều
Mặc dù các tác hại của việc thiếu ngủ đã được chứng minh từ lâu, nhưng hiện nay các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc ngủ nhiều cũng gây ra nhiều tiêu cực cho sức khỏe.
Nếu bạn thường xuyên ngủ từ 8-9 tiếng hoặc nhiều hơn mỗi ngày và tiếp tục cần phải ngủ trưa thì có thể thấy rằng bạn đang ngủ quá nhiều.
Ngủ nhiều cũng có thể gây ra các tác hại giống việc thiếu ngủ và cũng tiềm ẩn các nguy cơ có hại cho sức khỏe như: Trầm cảm; chứng ngưng thở lúc ngủ; rối loạn tuyến giáp; hen suyễn; bệnh Parkinson.
Tốt nhất là bạn nên ngủ sớm hơn vào ban đêm và thức dậy sớm mỗi ngày. Và tốt hơn hết là bạn nên ngủ đủ giấc và giấc ngủ đó phải là giấc ngủ tốt.
Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn mất ngủ vào ban đêm hoặc bạn luôn cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày mặc dù đã tuân thủ một lịch trình đi ngủ cố định.