Phần lớn thực phẩm mà người dân dùng hàng ngày đều liên quan đến nông nghiệp. Bởi vậy, để nâng cao chất lượng thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người dân, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng xây dựng các vùng nông, lâm, thủy sản an toàn.
Trước hết, các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân về đảm bảo an toàn thực phẩm với các loại nông, lâm, thủy sản; hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc an toàn, sử dụng đúng cách, đúng thời gian…
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, các đoàn thể vận động thành lập các HTX nhằm đẩy mạnh hơn nữa liên kết người dân trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Toàn tỉnh hiện có 430 HTX nông nghiệp tổng hợp, trong đó có 31 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoặc ứng dụng công nghệ kĩ thuật; có 119 tổ hợp tác; 2 liên hiệp HTX nông nghiệp, tổng hợp và 230 trang trại. Nhiều doanh nghiệp lớn cũng đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, trong đó chú trọng xây dựng vùng sản xuất an toàn.
Vùng trồng rau sạch tại phường Cộng Hòa (TX Quảng Yên) của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long.
Nhờ đó, đến nay Quảng Ninh có trên 1.095ha diện tích nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận VietGAP với 94 cơ sở, trên 90ha vùng trồng trọt hữu cơ, 14 vùng trồng cây ăn quả, 38 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAP, 428 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, SSOP, HACCP…); 1 cơ sở nuôi trồng thủy sản (cá tầm, cá lăng) được chứng nhận VietGAP với diện tích 0,405 ha (dự kiến 80 tấn/vụ nuôi).
Trên địa bàn tỉnh còn có 46 vùng trồng đủ điều kiện cấp mã số vùng trồng sẵn sàng xuất khẩu, 7 cơ sở đóng gói, trong đó có 5 cơ sở đóng gói quả tươi và 9 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Tỉnh cũng duy trì 16 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận với 59 loại sản phẩm.
Địa phương tiêu biểu trong xây dựng vùng sản xuất nông, lâm thủy sản an toàn phải kể đến xã Hồng Thái Đông (TX Đông Triều) với 7 vùng gieo cấy tập trung; phát triển và nhân rộng các vùng cây ăn quả đặc trưng như: Vải chín sớm, na dai, ổi lai lê… Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người nơi đây đạt 71,1 triệu đồng.
Hay xã Quảng Chính (huyện Hải Hà) tiếp tục thực hiện quy hoạch cơ cấu ngành nông nghiệp có quy mô lớn, vùng lúa, vùng mía tím, vùng nuôi trồng và chăn nuôi, vùng trồng cây ăn quả… Huyện Đầm Hà và Tiên Yên đi đầu về phát triển mô hình trồng cây quế được Tổ chức Chứng nhận quốc tế toàn cầu độc lập trong quản lý và giám sát hàng hóa (Control Union Certifications) cấp chứng nhận đạt hữu cơ tiêu chuẩn châu Âu cho diện tích gần 350ha với hơn 220 tấn quế hữu cơ.
Quế Đầm Hà được Tổ chức Chứng nhận quốc tế toàn cầu độc lập trong quản lý và giám sát hàng hóa (Control Union Certifications) cấp chứng nhận đạt hữu cơ tiêu chuẩn châu Âu. (Trong ảnh phơi, bảo quản vỏ quế tại Công ty CP Quế hồi Quảng Ninh ở xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà). Ảnh: Nguyễn Hưng
Để tiếp tục khuyến khích người dân, doanh nghiệp, tổ chức đầu tư xây dựng vùng nông, lâm, thủy sản an toàn, các sở, ngành, địa phương còn tích cực hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Sở NN&PTNT duy trì thường xuyên Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh tại địa chỉ http://qn.check.net.vn; đến nay đã cấp 175 tài khoản vận hành cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, kinh doanh thực phẩm; cấp mã QR cho 294 nông sản, thủy sản; đấu nối với hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, sản thực phẩm của TP Hà Nội, liên thông đồng bộ với Bộ NN&PTNT.
Các sở, ngành, địa phương còn vận động, kêu gọi các trung tâm thương mại, siêu thị tiêu thụ nông, lâm, thủy sản được sản xuất an toàn theo chuỗi trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh đã phát triển và đưa vào hoạt động 7 trung tâm thương mại, 11 siêu thị tổng hợp có kinh doanh thực phẩm, 142 chuỗi cửa hàng tiện lợi, 26 điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP và hàng nghìn điểm cung cấp hàng hóa phân bố đều tại các địa phương trong tỉnh.
Hàng hóa được niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, trang thiết bị sử dụng bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh, thiết bị giám sát và trình độ quản lý tốt, thuận tiện cho khách tới tham quan, mua sắm.
Miến Bình Liêu bày bán tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Xuân 2023.
Sở Công Thương đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, hiện có 156 website có chức năng bán hàng. Đến nay, Quảng Ninh đã có hơn 260 sản phẩm OCOP đạt chuẩn được đưa lên sàn thương mại điện tử như Voso.vn, Postmart.vn… Tính riêng Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh đang giới thiệu 190/334 sản phẩm OCOP Quảng Ninh (đạt từ 3 sao trở lên); số lượng khách truy cập từ đầu năm 2023 đến nay là khoảng 93,413 nghìn lượt truy cập; 5 tháng đầu năm 2023 có 216 đơn hàng đặt qua sàn này.
Hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản đặc biệt là các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu của tỉnh thường xuyên được tổ chức, điển hình là các hội chợ OCOP lớn được tổ chức vào dịp lễ, tết, 30/4 và Quốc khánh 2/9 hằng năm, thu hút hàng trăm nghìn lượt người dân, du khách tham quan, mua sắm.
Việc chú trọng xây dựng các vùng nông, lâm, thủy sản an toàn đã góp phần tạo uy tín, thương hiệu cho thực phẩm Quảng Ninh. Điều này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, mà còn góp phần mang lại thu nhập đáng kể cho người nông dân.