Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ninh

Quang Ninh Wonmen's union

Phụ nữ Quảng Ninh: "Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang"

Bài đăng gần đây:

Quy định mới về quản lý, sử dụng pháo

Ngày 27/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo (Nghị định 137), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/01/2021, thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo. Nghị định có một số điểm mới người dân cần hiểu đúng, nắm rõ để tránh vi phạm pháp luật.

Quy định mới nhất trong Nghị định 137 là Chính phủ cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật (khoản 1, điều 17 Nghị định 137).

Theo quy định tại điểm b, khoản 1, điều 3 Nghị định 137 pháo hoa là sản phẩm được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian, không gây ra tiếng nổ (đây là loại pháo không có thuốc nổ, không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người).

Còn loại pháo hoa nổ là sản phẩm khi có tác động của xung kích thích cơ, điện, nhiệt, hóa tạo ra tiếng rít, tiếng nổ và tạo hiệu ứng, áng sáng màu sắc trong không gian. Hiện nay pháp luật cấm tuyệt đối người dân sử dụng loại pháo này. Nếu người dân sử dụng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý hành chính. Loại pháo hoa nổ chỉ được sử dụng trong các dịp kỷ niệm (Tết Nguyên đán, Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày Quốc khánh, ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày Chiến thắng 30/4; nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng, thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, sự kiện văn hoá, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế và chỉ được thực hiện bởi những cơ quan, tổ chức nhất định.

Nghị định 137 quy định người sử dụng pháo hoa phải là “người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ” (là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên không bị mất hay bị hạn chế năng lực hành vi dân sự). Bên cạnh đó, chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh pháo hoa (điều14, Nghị định 137). Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa (theo khoản 2, điều 17 Nghị định 137).

Để tránh gây sự nhầm lẫn nhất là vào thời điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu đang đến gần, nhu cầu sử dụng pháo hoa tăng cao. Đề nghị Hội LHPN các cấp phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền kịp thời cho người dân nhận thức, phân biệt rõ loại pháo hoa được sử dụng và loại pháo hoa bị cấm; chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn cháy, nổ khi sử dụng những loại pháo hoa được cho phép… Qua đó, giúp hội viên phụ nữ và người dân hiểu đúng, chấp hành tốt các quy định của pháp luật./.

Ban CSPL

Facebook
Twitter
Telegram
Email

tin tức - sự kiện

Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Hôm qua: 5
Trong tuần: 117

Trong 30 ngày qua: 693
Tổng truy cập: 955084

Đăng ký nhận tin.
Vui lòng bật JavaScript trong trình duyệt của bạn để hoàn thành Form này.