Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ninh

Quang Ninh Wonmen's union

Phụ nữ Quảng Ninh: "Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang"

Quá nhiều cơ sở sản xuất rượu chưa được quản lý

Hiện tỉnh đã quyết định phân cấp quản lý cơ sở sản xuất rượu thủ công cho các địa phương, tuy nhiên công tác quản lý, thanh, kiểm tra những cơ sở sản xuất rượu tuyến dưới còn bị buông lỏng.

Theo thống kê của Sở Công Thương, hiện trên địa bàn tỉnh có 1.760 cơ sở sản xuất rượu; trong đó mới có 22 cơ sở đăng ký giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu (chủ yếu doanh nghiệp và HTX), đạt tỷ lệ hơn 1,2%. Các huyện Tiên Yên, Cô Tô 100% số cơ sở không đăng ký giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu (Tiên Yên có 84 cơ sở, Cô Tô có 9 cơ sở). Các địa phương tập trung nhiều hộ sản xuất rượu thủ công là: TX Quảng Yên (265 cơ sở), TX Đông Triều (452 cơ sở), nhưng mới chỉ có 1-2 cơ sở đăng ký giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu.

“Mục sở thị” một số hộ sản xuất rượu thủ công trên địa bàn xã Hạ Long (huyện Vân Đồn), thấy công tác quản lý, thanh, kiểm tra còn rất hạn chế, thậm chí buông lỏng. Theo quy định, các cơ sở sản xuất rượu phải có giấy phép đăng ký sản xuất kinh doanh, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP)… mới được cung cấp rượu ra thị trường tiêu thụ. Thế nhưng, một số hộ nấu rượu trong xã vẫn ngang nhiên sản xuất cung cấp rượu ra thị trường. Trong khi, một số “lò” nấu rượu thủ công trên địa bàn xã không đủ điều kiện VSATTP. Tại “lò” nấu rượu của gia đình ông Vũ Văn Sơn (thôn 10), khá ẩm thấp và xập xệ; liền kề điểm nấu, sang chiết, dự trữ rượu là dãy chuồng lợn và khu nhà vệ sinh (chỉ cách vài bước chân). Dưới nền nhà để ngổn ngang các dụng cụ, như nồi, thùng chứa, can, chậu đựng rượu không đảm bảo vệ sinh; mái nhà ngói lợp đen xì, có chỗ mục mốc, không được che chắn cẩn thận. Mỗi tháng cơ sở này xuất khoảng 1.500 lít rượu cung cấp cho một số đội tàu, hộ dân quanh xóm.

Tháng hành động vì ATTP năm nay (từ ngày 15-4 đến 15-5) có chủ đề “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng chống ngộ độc rượu”. Với chủ đề này, các địa phương đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất rượu thủ công. Qua kết quả kiểm tra liên ngành VSATTP của các cơ quan chức năng cuối tháng 4 vừa qua: Hầu hết các hộ nấu rượu thủ công trên địa bàn tỉnh không có giấy tờ, thủ tục trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu. Địa điểm sản xuất rượu manh mún, chật hẹp, dụng cụ chứa, đựng… không đảm bảo vệ sinh, tiêu chuẩn ATTP. Đáng ngại hơn, tình trạng buôn bán rượu tự nấu, không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ vẫn tràn lan tại nhiều địa phương trong tỉnh; nên nguy cơ ngộ độc rượu với người tiêu dùng là rất cao.

Ông Đỗ Quang Huy, Phó Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), cho biết: Theo Quyết định số 2152/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh phân cấp quản lý nhà nước về ATTP, ngành Công Thương chỉ quản lý các cơ sở sản xuất rượu có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc chứng nhận đầu tư (do Sở KH&ĐT cấp); còn lại các hộ sản xuất rượu thủ công giao về các địa phương quản lý. Mặc dù Sở đã có các văn bản, triển khai hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, nhưng việc quản lý các cơ sở nấu rượu thủ công vẫn đang bị buông lỏng. Nguyên nhân chủ yếu do tuyến huyện, xã thiếu lực lượng quản lý, trong khi đó số cơ sở sản xuất rượu manh mún, nhỏ lẻ, rất khó trong công tác kiểm tra, giám sát. Thời gian tới, để kiểm soát, siết chặt các cơ sở sản xuất rượu thủ công, các địa phương cần tích cực phối hợp tuyên truyền VSATTP đến các hộ sản xuất, kinh doanh rượu. Đồng thời, sớm triển khai đăng ký giấy phép sản xuất, kinh doanh; giám sát, thanh, kiểm tra thường xuyên, nhằm phát hiện và xử lý kiên quyết các cơ sở không đủ điều kiện, vi phạm.

(Theo Phạm Tăng – Báo Quảng Ninh)

Facebook
Twitter
Telegram
Email

tin tức - sự kiện

Thống kê truy cập

Hôm nay: 6
Hôm qua: 16
Trong tuần: 293

Trong 30 ngày qua: 764
Tổng truy cập: 953683

Đăng ký nhận tin.
Please enable JavaScript in your browser to complete this form.