Trong thời đại công nghệ số, với sự linh hoạt trong chỉ đạo của Hội LHPN tỉnh và sự nhạy bén, chủ động, trách nhiệm của mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ, mọi công tác, nhiệm vụ, phong trào của hội phụ nữ các cấp đã được triển khai có hiệu quả. Chủ động tham gia chuyển đổi số, ứng dụng CNTT đã và đang giúp đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ bắt kịp xu hướng mới, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần phát triển KT-XH của địa phương.
Phụ nữ Quảng Ninh đã và đang phát huy vai trò tích cực trong công cuộc chuyển đổi số. Hội LHPN các cấp trong tỉnh ngày càng quan tâm tuyên truyền, lan tỏa, chia sẻ hoạt động công tác hội trên các nền tảng ứng dụng công nghệ số như mạng xã hội facebook, zalo, trang thông tin điện tử thành phần…
Nhiều hoạt động thiết thực
Để công tác chuyển đổi số được phát huy hiệu quả, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của địa phương và của hội về công tác chuyển đổi số toàn diện. Hội LHPN tỉnh còn phối hợp với Công ty Ajinomoto Việt Nam thực hiện 12 chương trình livestream “Ajinomoto ơi, tối nay ăn gì” trên fanpage “Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ninh” hướng dẫn nấu các món ăn, thu hút 115.000 lượt người theo dõi, với hơn 8.000 bình luận tương tác và chia sẻ. Đây là một điểm mới của Hội LHPN tỉnh trong công tác tuyên truyền, truyền thông đến hội viên, phụ nữ và nhân dân, gắn với tuyên truyền, giáo dục cho hội viên, phụ nữ và nhân dân về xây dựng gia đình hạnh phúc.
Các cấp hội cũng đổi mới hình thức tuyên truyền trên các nền tảng số, tiêu biểu như: Hội LHPN tỉnh tổ chức bình chọn tiết mục dân vũ được yêu thích nhất tại Liên hoan dân vũ Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh lần thứ nhất qua fanpage của hội; Hội LHPN huyện Đầm Hà tổ chức thi ảnh “Khoảnh khắc yêu thương” trên fanpage của hội; Hội LHPN huyện Tiên Yên tổ chức tuyên truyền, giới thiệu về các chi hội trưởng tiêu biểu tại cuộc thi Chi hội trưởng tiêu biểu năm 2023, phát động hướng ứng cuộc thi “Ứng dụng CNTT trong tổ chức sinh hoạt hội năm 2024” trên fanpage của hội…
Công tác tập huấn về chuyển đổi số cho phụ nữ cũng được chú trọng thực hiện. 2 năm qua, toàn tỉnh đã có 27.155 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ, nữ chủ hộ kinh doanh… được tập huấn kiến thức về chuyển đổi số, ứng dụng CNTT, sử dụng mạng xã hội an toàn do Hội LHPN các cấp tổ chức.
Nổi bật, có 5 lớp tập huấn “Kỹ năng quản lý kinh doanh cơ bản và ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh cho phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo năm 2023” và “Quản lý tài chính gia đình” cho cán bộ hội các cấp, nữ doanh nghiệp và nữ chủ hộ kinh doanh; có 4 hội nghị truyền thông nâng cao kiến thức pháp luật về VSATTP, gắn với hướng dẫn cán bộ, hội viên, phụ nữ về kỹ năng chuyển đổi số tại Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Cô Tô.
Với sự vào cuộc tích cực, đến nay 100% cán bộ, hội viên, phụ nữ được tuyên truyền, tiếp cận về chuyển đổi số qua các kênh thông tin của hội, các ứng dụng công nghệ số. 100% cơ quan chuyên trách hội phụ nữ các cấp được trang bị cơ sở vật chất đảm bảo kỹ thuật, an toàn phục vụ chuyển đổi số. 100% cơ sở hội thành lập và quản lý hiệu quả ít nhất 1 kênh truyền thông riêng (fanpage, facebook, zalo…) đảm bảo theo quy định. 100% văn bản của Hội LHPN từ tỉnh đến huyện được xử lý trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản theo quy định. Hội LHPN tại các địa phương, đơn vị trực thuộc tỉnh có kế hoạch tuyên truyền, vận động 100% gia đình hội viên, phụ nữ sử dụng dịch vụ Internet băng thông rộng, hạ tầng mạng cáp quang.
Để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới
Dù đã đạt nhiều kết quả nổi bật, khả quan, song trong công cuộc chuyển đổi số, các cấp hội phụ nữ vẫn gặp phải nhiều khăn. Ứng dụng phần mềm nghiệp vụ cơ bản trong hệ thống hội, phần mềm quản lý hội viên đôi khi còn bị lỗi, khó cập nhật, do đó ảnh hưởng đến việc cập nhật, lưu trữ. Số lượng cán bộ hội cấp huyện chỉ có 3-5 người phải thực hiện nhiều công việc cùng lúc, nên chưa có cán bộ riêng phụ trách thực hiện công tác chuyển đổi số.
Chính vì thế, để đáp ứng yêu cầu trong tình hình, hiện nay Hội LHPN tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, của Trung ương, của tỉnh về công tác chuyển đổi số toàn diện. Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức hội nghị trực tuyến, hội nghị không giấy tờ trong các cơ quan chuyên trách của hội; tích cực tổ chức các hội nghị, tập huấn về chuyển đổi số cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, hội viên nòng cốt từ tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt, tiếp tục đồng hành hỗ trợ các nữ chủ hộ kinh doanh trong thực hiện chuyển đổi số.
Phấn đấu năm 2025, 80% hội viên phụ nữ trong độ tuổi lao động sử dụng điện thoại thông minh và có tài khoản thanh toán điện tử. 50% phụ nữ là chủ các doanh nghiệp, mô hình kinh tế được tiếp cận và áp dụng kinh tế số.
Có thể thấy, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là công cụ đắc lực để nâng cao vị thế, phát huy và kế thừa truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Quảng Ninh trong quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.