“Gia đình bình an, xã hội hạnh phúc” là chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) năm nay. Với nhiều hoạt động ý nghĩa, tạo sự lan tỏa, tôn vinh những giá trị tốt đẹp, Ngày Gia đình Việt Nam là dịp để mỗi chúng ta lắng nghe, sẻ chia, gắn kết và vun đắp thêm những giá trị của hạnh phúc.
Sinh thời, Bác Hồ đã từng dạy: “Quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp. Những giá trị truyền thống quý báu như yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa… đã được nhiều gia đình hiện nay lưu giữ, vun đắp.
Tôn vinh những giá trị của gia đình
Để tiếp nối truyền thống quý báu của gia đình, các hoạt động gặp mặt, biểu dương gia đình điển hình tiên tiến đã được các cấp, ngành của Quảng Ninh tổ chức nhân Ngày Gia đình Việt Nam, góp phần lan tỏa, tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình.
Bên cạnh đó, việc ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được phổ biến và áp dụng với mọi gia đình trên phạm vi toàn quốc đã làm thay đổi căn bản về văn hóa ứng xử của mỗi thành viên trong gia đình. Trên địa bàn Quảng Ninh, bộ tiêu chí ứng xử này đang ngày càng được lan tỏa trong cộng đồng, trong đó đề cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền, nhằm nâng cao nhận thức, điều chỉnh hành vi, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình.
Tỉnh Quảng Ninh cũng là địa phương có điều kiện thuận lợi để triển khai bộ tiêu chí này, bởi từ tháng 6/2019, Quảng Ninh là một trong 12 địa phương trên cả nước được lựa chọn để triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. 2 xã Tiền An (TX Quảng Yên), Yên Than (huyện Tiên Yên) được tỉnh lựa chọn để triển khai, với sự chỉ đạo, đồng hành của các ban, ngành liên quan.
Theo đó, các ngành, địa phương đã tổ chức hội nghị tập huấn, truyền thông về giáo dục đời sống gia đình, kỹ năng xử lý tình huống khi có bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại đối với phụ nữ, trẻ em, chăm sóc người cao tuổi; chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bổ sung quy tắc hỗ trợ bình đẳng giới vào các hương ước, quy ước…
Ngày 20/4/2020, UBND tỉnh ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 1310/QĐ-UBND); trong đó nêu những chuẩn mực ứng xử trong gia đình, dòng họ, cộng đồng nơi cư trú, nơi công cộng và trên mạng xã hội… Căn cứ theo chỉ đạo của tỉnh, các địa phương chú trọng đưa bộ quy tắc về tận các khu dân cư, bằng cách thường xuyên lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt chi bộ, họp tổ dân, khu phố, các hội thi, phong trào của địa phương, hội đoàn thể. Nhiều xã, phường, thị trấn, thôn, khu, cơ quan, đơn vị đã tổ chức ký cam kết thực hiện, phát động thi đua gắn tiêu chí bình xét danh hiệu văn hóa cho các cá nhân, tập thể hằng năm. Nội dung này cũng được gắn với chương trình học tập tại các trường phổ thông, đào tạo nghề, cao đẳng, đại học…
Để phát huy những nét đẹp văn hóa trong gia đình, các ngành, tổ chức đã phát động các phong trào thi đua như: “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, xây dựng và duy trì hiệu quả các CLB gia đình, phòng chống bạo lực gia đình…
Cùng vun đắp hạnh phúc
Thấu hiểu và nhường nhịn chính là bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình. Trong thực tế, để cùng nhau vun đắp hạnh phúc trong mối quan hệ vợ – chồng, bố mẹ – con cái đều phải có được sự hòa thuận, thủy chung, nghĩa tình, lòng yêu thương, tôn trọng, hiếu lễ… Nhiều gia đình nhờ biết duy trì ứng xử có văn hóa đã tạo ra nền nếp, kỷ cương, để mỗi thành viên cùng noi theo, cùng nhau vun đắp gia đình hạnh phúc, hòa thuận.
Gia đình bà Nguyễn Thị Nguyệt (khu 4C, phường Hồng Hải, TP Hạ Long) là gia đình có 3 thế hệ cùng sinh sống. Nhiều năm qua, gia đình bà được coi là tấm gương sáng về gia đình văn hóa, bởi chưa từng xảy ra bất hòa, luôn thấu hiểu và sẻ chia mọi buồn, vui với nhau.
Bà Nguyệt chia sẻ: Nền tảng của gia đình hạnh phúc chính là sự cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ. Là một người vợ, người mẹ, người bà trong gia đình, tôi luôn nhắc nhở con cháu gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Gia đình tôi có 3 thế hệ cùng sinh sống, để dung hòa lẫn nhau, điều cốt lõi là mỗi người phải làm điểm tựa của nhau, người lớn làm gương cho con trẻ… Cuộc sống gia đình sẽ không tránh khỏi những lúc cãi vã, nóng giận, vì thế mỗi con người trong chúng ta nên bình tĩnh, lắng nghe lẫn nhau, hãy đặt mình ở vị trí của người vợ, người chồng trong gia đình để thấu hiểu…
Bám sát kế hoạch tổ chức Ngày Gia đình Việt Nam năm nay, Ban chỉ đạo công tác gia đình tỉnh đã triển khai kế hoạch, tăng cường công tác truyền thông. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác gia đình qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các hội nghị, tọa đàm, hội thi về gia đình. Điển hình như Sở VH-TT tổ chức hội thi “Cha trách nhiệm, mẹ thảo hiền, con cái chăm ngoan”; Hội LHPN TP Hạ Long tổ chức hội thi “Xây dựng gia đình hạnh phúc – Gắn kết yêu thương”; Hội LHPN huyện Đầm Hà tổ chức hội nghị tập huấn triển khai “Gia đình hạnh phúc, không định kiến giới”…
Cùng với đó, phong trào “Phụ nữ Quảng Ninh tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” được triển khai đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phong trào dân vận khéo, giúp các gia đình hội viên phấn đấu đạt và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa. Các đề án 343 “Giáo dục phẩm chất phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững được tuyên truyền, triển khai thiết thực.
Quan tâm, chăm lo công tác gia đình, chính là cùng nhau vun đắp, xây dựng gia đình bình đẳng, ấm no, hạnh phúc, tiến bộ. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, giúp các gia đình có điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần một cách toàn diện.