Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ninh

Quang Ninh Wonmen's union

Phụ nữ Quảng Ninh: "Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang"

Nhiều mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả

Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2023, đã và đang đi vào thực tiễn đời sống. Qua công tác tuyên truyền, vận động hiệu quả, nhiều hoạt động bảo vệ môi trường của người dân đang phát huy hiệu quả rõ nét trong việc cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường sống. Nhiều cá nhân, gia đình, tập thể đã xây dựng ý thức bảo vệ môi trường, lan tỏa tinh thần “sống xanh” trong cộng đồng.

May tái chế các sản phẩm từ rác thải nhựa tại HTX Green Life Hạ Long.

HTX Green Life Hạ Long hiện trở thành một mô hình “sống xanh” được nhiều người biết đến. Sau hơn 2 năm thành lập, bằng những việc làm thu gom, chế biến những phế liệu đã bỏ đi như vỏ chai nhựa, pano, áp phích, lốp xe cũ…, thành các sản phẩm hữu ích, HTX đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa.

Ý tưởng thành lập HTX được bắt nguồn từ mô hình “Biến rác thành tiền” của Hội LHPN TP Hạ Long. Xuất phát từ mô hình và cũng vì thấy môi trường sống tràn ngập rác thải nhựa, HTX Green Life Hạ Long do chị Trần Thị Hương (phường Hà Khẩu, TP Hạ Long) làm Giám đốc đã ra đời.

Chị Hương cho biết: “Tôi thường xuyên tham gia các hoạt động dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải do Hội LHPN thành phố tổ chức. Tôi thấy điều không tốt đẹp ở môi trường sống xung quanh chúng ta, đó là vỏ chai nhựa quá nhiều. Những phế liệu bỏ đi đang ngày càng đe dọa, gây ô nhiễm nghiêm trọng tới môi trường, nên tôi đã tổ chức thu gom, phân loại những phế liệu đó để tái chế lại chúng”.

HTX hiện đã tái chế thành công nhiều loại rác thải nhựa đã qua sử dụng, tạo thành những sản phẩm hữu dụng phục vụ cho cuộc sống hằng ngày, góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường sống.

Du khách nước ngoài thích thú với các sản phẩm tái chế tại HTX Green Life Hạ Long.

Từ những vỏ chai, vỏ lon bia, pano, áp phích, lốp xe cũ, thùng sơn cũ… thay vì bỏ đi, chị Hương đã tái chế, trở thành những món đồ đẹp-độc-lạ, rất hữu ích cho cuộc sống hằng ngày. Chị đã biến những chiếc pano, áp phích thành những chiếc túi đi chợ; những chiếc lốp xe cũ thành những chậu trồng cây cảnh khá bắt mắt; những thùng sơn cũ thành những thùng đựng rác mới, đảm bảo tính thẩm mỹ, thân thiện với môi trường. Chị thu gom vải thừa từ những cửa hàng may để kết hợp may thành túi vải hoặc để làm tăng thêm tính thẩm mỹ cho các sản phẩm. Nhờ đó, các sản phẩm của chị đa dạng về mẫu mã, chủng loại, như túi xách đi chợ, túi vải đeo đi chơi, ba lô cho học sinh, túi đựng tài liệu…

Chị Hương chia sẻ: “Khi HTX được thành lập vào tháng 12/2019, chúng tôi tập trung nhiều vào giải quyết vấn đề rác thải nhựa, đi đôi với đó là tạo được việc làm, sinh kế cho nhiều chị em phụ nữ. Từ khi thành lập cho đến nay, Green Life Hạ Long đã thu gom được 9 tấn pano, 5 tấn vải thừa; sản xuất được 30.000 sản phẩm bán ra thị trường. Bắt đầu đón khách tham quan, trải nghiệm từ cuối tháng 5/2022, đến nay HTX đã đón trên 150 lượt khách, trong đó có cả các em học sinh và khách nước ngoài.

Chị Trần Thị Hương thu gom vải thừa từ các tiệm may để tái chế, may thành túi vải có tính thẩm mỹ cao.

Năm 2022, Hội LHPN TP Hạ Long thành lập, đã thực hiện nhiều mô hình bảo vệ môi trường. Đến nay, duy trì và nhân rộng 10 nhóm “Phụ nữ thu gom rác thải tái chế” trên địa bàn 10 phường với 186 thành viên; thành lập 5 tổ phân loại rác tái chế tại 5 chi hội phụ nữ; 5 mô hình “Ủ phân hữu cơ bằng men vi sinh” với 310 hội viên tham gia. Thực hiện mô hình “Phân loại rác thải, biến rác thành tiền”, Hội đã thu gom 122,8 tấn phế liệu, bán được số tiền hơn 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, mô hình đan làn, túi vải từ bạt tái chế của hội viên, phụ nữ phường Hà Trung, Hà Phong, Hà Khẩu đã làm được hơn 700 sản phẩm, thu về được trên 70 triệu đồng/năm..

Còn đối với gia đình ông Nguyễn Viết Thinh ở phường Nam Hòa (TX Quảng Yên) đã chủ động phân loại rác thải và xử lý rác thải thành phân bón. Được biết, gia đình ông Thinh nhiều năm qua làm nghề trồng rau. Tuy diện tích không lớn, nhưng cũng cần bón phân thường xuyên, chi phí cũng khá tốn kém. Nhưng thời gian qua, ông đã tận dụng được nguồn phân bón nhờ thực hiện mô hình phân loại và xử lý rác thải. Ông đã áp dụng mô hình phân loại, sử dụng chế phẩm vi sinh ủ rác để phân hủy thành phân hữu cơ.

Ông Thinh chia sẻ: “Thời gian trước, gia đình tôi cũng thực hiện việc xử lý rác thải để thành phân bón hữu cơ, nhưng chưa có phương pháp nên tốn khá nhiều thời gian. Nhưng kể từ khi được tham gia lớp tập huấn của Hội Nông dân thị xã và được hỗ trợ vật tư, hướng dẫn kỹ thuật ủ, gia đình tôi đã xử lý được lượng rác thải khá lớn. Vừa có phân bón cho rau, lại vừa bảo vệ mội trường hiệu quả”.

Thành viên tổ thu gom ve chai phường Hồng Hà (TP Hạ Long) phân loại rác thải

Thời gian qua, những mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường ngày càng được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho hội viên, nông dân, các cấp Hội Nông dân còn hướng dẫn, xây dựng trên 600 mô hình “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”, “Bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật” và phát động, duy trì thường xuyên hoạt động dọn dẹp vệ sinh môi trường, cảnh quan nông thôn vào các ngày cuối tuần.

Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh còn xây dựng dự án mô hình cộng đồng quản lý, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven Vịnh Hạ Long được triển khai từ tháng 1/2020 tại 4 phường của TP Hạ Long gồm: Hồng Hà, Hồng Hải, Tuần Châu và Hà Phong. Trong đó, Hội Nông dân giữ vai trò tổ chức điều phối và thực hiện dự án, Hội Phụ nữ tỉnh và Hội Nghề cá tỉnh phối hợp thực hiện.

Hoạt động của dự án đã xây dựng thành công nhiều mô hình hiệu quả trong giảm thiểu rác thải, nhất là rác thải nhựa như: 7 mô hình phân loại rác thải sinh hoạt cho 178 hộ gia đình, 31 tàu cá, 65 tàu du lịch, 2 nhà hàng trên địa bàn TP Hạ Long; 3 mô hình xử lý rác hữu cơ ủ phân compost tại 70 hộ gia đình; thành lập 7 nhóm thu gom ve chai cộng đồng với 147 thành viên; xây dựng gian hàng giới thiệu sản phẩm thay thế nhựa dùng một lần tại chợ Hạ Long 1 và phường Hồng Hà.

Có thể thấy, sự lan tỏa tích cực của các mô hình về bảo vệ môi trường đã làm thay đổi nhiều thói quen trong sinh hoạt hàng ngày của mọi người. Thay vì sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần, nhiều người đã thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Cùng với đó, sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội đã lan tỏa được nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao được chất lượng sống cho người dân.

Theo Vân Anh – TTTT tỉnh
Facebook
Twitter
Telegram
Email

tin tức - sự kiện

Thống kê truy cập

Hôm nay: 43
Hôm qua: 3
Trong tuần: 242

Trong 30 ngày qua: 705
Tổng truy cập: 957248

Đăng ký nhận tin.