Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ninh

Quang Ninh Wonmen's union

Phụ nữ Quảng Ninh: "Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang"

Lan tỏa tinh thần sống xanh

Để giảm thiểu những hệ lụy do biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lụt, mỗi người dân cần phải có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thời gian qua, chung tay xây dựng một môi trường phát triển bền vững, các cấp hội phụ nữ Quảng Ninh đã lan tỏa tinh thần sống xanh tới từng cá nhân, gia đình và cộng đồng.

Gia công sản phẩm tái chế tại HTX Green Life Hạ Long.

Sống xanh được hiểu là lối sống lành mạnh, thân thiện với môi trường, giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường. Trong sinh hoạt hằng ngày của mỗi người, sống xanh có khi đơn giản là việc lựa chọn sử dụng những sản phẩm không tác động xấu đến môi trường như gỗ, thủy tinh… thay cho các sản phẩm nhựa dùng 1 lần.

Hiện nay việc sử dụng túi nilon, hộp nhựa, hộp xốp, chai nhựa tại các quán ăn, nhà hàng, dịch vụ giải khát… trở nên quá quen thuộc và phổ biến. Sau mỗi ngày, lượng rác thải ấy đổ ra môi trường không thể kiểm soát được. Xuất phát từ lối sống xanh, chị Trần Thị Hương, Giám đốc HTX Green Life Hạ Long đã có ý tưởng thu gom lại những phế phẩm bỏ đi như chai nước nhựa, pano, áp phích, vải vụn, thùng sơn, lốp xe… để tái chế thành những sản phẩm hữu ích, dùng trong sinh hoạt hằng ngày.

Chị Hương chia sẻ: Hằng ngày, chúng ta thải ra môi trường quá nhiều sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Lâu dần những phế phẩm này gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường sống trực tiếp của chúng ta. Vì thế, thay vì bỏ đi, tôi đã thu gom lại để tạo ra những sản phẩm dùng trong sinh hoạt thường ngày. Những tấm pano, áp phích, vải vụn được tái chế thành túi xách, sổ tay; thùng sơn cũ thì biến chúng thành thùng rác; lốp xe cũ được tận dụng làm chậu trồng hoa…

Thành lập từ năm 2019, HTX Green Life Hạ Long đã tái chế hàng chục tấn rải thải nhựa, sản xuất được hàng nghìn sản phẩm tái chế các loại. Đặc biệt, mô hình tái chế này còn được rất nhiều học sinh, du khách yêu thích, trong đó có cả du khách nước ngoài đến tham quan và trải nghiệm.

Nhằm giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường, Hội LHPN huyện Cô Tô đã có cách làm hay, sáng tạo như việc thí điểm mô hình “Hố ủ rác hữu cơ” tại một số cơ sở hội, đến nay mô hình này đã được nhân rộng ở các xã, thị trấn trên địa bàn.

Phụ nữ huyện Cô Tô thực hiện mô hình ủ phân hữu cơ.

Chị Bùi Thị Hoài, hội viên phụ nữ xã Đồng Tiến (huyện Cô Tô) chia sẻ: Khi triển khai mô hình “Hố ủ rác hữu cơ” tôi thấy quy trình khá đơn giản, dễ thực hiện, chỉ cần cho rác thải hữu cơ sinh hoạt đã phân loại như lá cây, thức ăn thừa, trái cây hỏng… vào hố ủ có nắp đậy cùng với chế phẩm sinh học để ủ. Sau 40 ngày số rác thải này sẽ được chuyển hoá thành phân vi sinh dùng để bón cho vườn cây ăn quả và trồng rau. Sau một thời gian sử dụng phân hữu cơ tự làm, tôi thấy rất hiệu quả, cây trồng sinh trưởng tốt. Mô hình này rất hữu ích, vừa bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm chi phí cho những người làm nông nghiệp như chúng tôi…

Việc xây dựng lối sống xanh còn được cán bộ, hội viên ở các cấp hội phụ nữ thể hiện bằng việc  mang theo bình nước cá nhân, ống hút kim loại, ống hút bằng tre thay thế cho những chai nước, ống hút nhựa; trồng thêm những chậu cây nhỏ trong không gian bàn làm việc, hay thực hiện mô hình bàn làm việc không giấy tờ…

Có thể thấy sống xanh bắt nguồn từ những việc làm rất nhỏ, nhưng lại mang nhiều ý nghĩa đối với môi trường sống. Đối với mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ, lựa chọn lối sống xanh đơn giản chỉ là tiết kiếm nguồn nước, tắt những thiết bị điện khi không cần thiết, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường sống… thì những hành động thiết thực ấy sẽ góp phần lan tỏa sâu rộng trong mỗi cá nhân và cộng đồng thêm ý thức giữ gìn để môi trường sống thêm xanh.

Theo Vân Anh – TTTT tỉnh
Facebook
Twitter
Telegram
Email

tin tức - sự kiện

Thống kê truy cập

Hôm nay: 22
Hôm qua: 38
Trong tuần: 171

Trong 30 ngày qua: 835
Tổng truy cập: 955928

Đăng ký nhận tin.