Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ninh

Quang Ninh Wonmen's union

Phụ nữ Quảng Ninh: "Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang"

Lan toả Quy tắc ứng xử trên địa bàn Quảng Ninh

Cụ thể hóa Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, ngày 30/11/2022, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3504/QĐ-UBND về việc ban hành Quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Ngay sau khi được ban hành, quy tắc ứng xử đã được các ngành, địa phương cụ thể hoá, đưa vào thực hiện, tạo sức lan toả sâu rộng, hình thành nét văn hóa, thói quen ứng xử văn minh, lịch sự, thân thiện, xây dựng hình ảnh, ấn tượng tốt đẹp, cùng niềm tin đối với doanh nghiệp và du khách khi đến Quảng Ninh.

Người dân xã Dân Chủ, TP Hạ Long tham gia cuộc thi tìm hiểu Quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Mỹ Hạnh (Trung tâm TT-VH Hạ Long)

Mục tiêu chính của Quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là giữ gìn và phát huy bền vững bản sắc văn hóa; các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa; sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng: Năng động – Sáng tạo – Hào sảng – Lành mạnh – Văn minh – Thân thiện. Quy tắc ứng xử gồm 4 chương, 23 điều được áp dụng cho các tổ chức, cá nhân sinh sống, làm việc, công tác, học tập, tham quan trên địa bàn tỉnh.

Hai phần chính của quy tắc ứng xử là: Quy tắc ứng xử chung; những quy tắc ứng xử trong cộng đồng nơi cư trú và tại một số nơi công cộng cụ thể. Trong đó, quy tắc ứng xử chung (quy tắc 5T) gồm: Thượng tôn pháp luật; tôn trọng bản thân và người khác; tôn trọng và bảo vệ môi trường; thân thiện, văn minh, hào sảng; trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Quy tắc ứng xử đã định hướng rõ những việc nên làm và không nên làm tại làng, bản, khu dân cư, những nơi công cộng, cụ thể như: Vỉa hè, lòng đường; vườn hoa, quảng trường, tượng đài, công viên; trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn; nhà ga, bến xe ô tô, bến tàu, sân bay, trên các phương tiện công cộng; khi tham gia giao thông; khu vui chơi, giải trí, điểm tham quan, du lịch.

Ngay sau khi quy tắc ứng xử được ban hành, các cơ quan chức năng, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền; thực hiện tổ chức cho cán bộ, viên chức và người dân cùng triển khai. Đồng thời, cụ thể hoá các nội dung phù hợp với địa phương, ngành, lĩnh vực của mình. Ví dụ như tại các địa phương, đơn vị, nội dung về xây dựng văn hóa công sở được triển khai quyết liệt và đồng bộ, tạo sự thay đổi toàn diện. Từng đơn vị chuyên môn duy trì nền nếp trong cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ vào công việc, giữ khuôn viên xanh, sạch, đẹp, văn minh. Mỗi công chức thực hiện nhiệm vụ của mình một cách kỷ cương, trách nhiệm, tận tụy, chuyên nghiệp. Qua đó, giúp cho hiệu quả công việc được nâng lên, chất lượng phục vụ người dân tốt hơn, công sở có kỷ cương, dân chủ, đúng mực, rõ trách nhiệm người đứng đầu…

Tại khu vực dân cư vùng nông thôn, việc hình thành phong trào bảo vệ môi trường sống, xây dựng những tuyến đường hoa… là cách để chính quyền và nhân dân các địa phương cụ thể hóa từ quy tắc ứng xử cho mục tiêu nâng cao ý thức cộng đồng, chung tay xây dựng NTM, phục vụ đời sống dân sinh. Nhiều nơi, người dân tự nguyện bỏ công sức, góp kinh phí, bàn giao mặt bằng để nâng cấp đường giao thông, lắp đặt thùng rác công cộng, nhân rộng đường hoa tới tận từng ngõ xóm, từng nhà.

Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao xây dựng đời sống khu dân cư ở phường Cửa Ông (TP Cẩm Phả) được người dân tham gia tích cực. Ảnh: Công Thành

Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, các địa phương trong tỉnh còn thực hiện nhiều đợt kiểm tra định kỳ, đột xuất để kịp thời phát hiện, nhân rộng điển hình, đồng thời xử lý những tồn tại nhằm mang lại hiệu quả thực sự trong thực hiện quy tắc ứng xử.

Điển hình như TP Hạ Long đã tổ chức chương trình phát động và ký cam kết thi đua thực hiện quy tắc ứng xử gắn với nội dung thực hiện đạo đức công vụ, văn hóa công sở, các tiêu chí xét chọn danh hiệu “Phường đạt chuẩn đô thị văn minh”, “Xã đạt chuẩn văn hóa NTM”, “Thôn văn hóa”, “Khu phố văn hóa”, “Gia đình văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”… Cùng với đó, UBND thành phố đã lựa chọn chỉ đạo Phòng GD&ĐT, Trung tâm Hành chính công, xã Dân Chủ và phường Bãi Cháy triển khai thực hiện điểm quy tắc ứng xử. UBND các xã, phường cũng chủ động lựa chọn chỉ đạo điểm ít nhất từ 1 thôn/khu phố sau đó nhân rộng trên toàn địa bàn.

Đặc biệt, công tác tuyên truyền quy tắc ứng xử trên các phương tiện thông tin đại chúng được tăng cường. Trên các hạ tầng truyền thông như: Truyền thanh, truyền hình, cổng thông tin điện tử thành phố; các trang mạng xã hội… của Trung tâm TT-VH thành phố cũng mở chuyên trang, chuyên mục, chương trình chuyên đề để tuyên truyền, phổ biến và cập nhật thường xuyên kết quả thực hiện bộ quy tắc ứng xử.

Thành phố cũng thành lập đoàn kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện quy tắc ứng xử gắn với kiểm tra công vụ hằng năm tại các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, phường trên địa bàn, đồng thời, tiến hành sơ kết đánh giá kết quả đạt được, rút kinh nghiệm trong công tác triển khai thực hiện quy tắc ứng xử, xây dựng nội dung, kế hoạch năm tiếp theo. Tổ chức tổng kết đánh giá kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện và rút kinh nghiệm chỉ đạo trên địa bàn thành phố trong giai đoạn kế tiếp.

Theo ông Linh Du Hồng, Bí thư Đảng ủy xã Dân Chủ (TP Hạ Long), việc triển khai quy tắc ứng xử đã và đang được lan tỏa rộng khắp trên địa bàn xã Dân Chủ. Hiện nay các gia đình trong xã đã nghiêm túc vận dụng quy tắc ứng xử vào cuộc sống hằng ngày; mỗi gia đình, cá nhân thực sự hiểu và có ý thức, trách nhiệm hơn trong mỗi lời nói, hành động, tự giác tham gia “Ngày chủ nhật xanh”, không vứt rác bừa bãi, không nói tục, hàng xóm láng giềng hài hòa, thân thiện, tích cực tham gia các phong trào sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao lành mạnh… Để có được kết quả đó, công tác tuyên truyền được xã đặc biệt quan tâm bằng nhiều hình thức như vận động trực tiếp và thông qua hệ thống phát thanh, các cuộc họp tổ dân, họp chi bộ, sân khấu hoá thông qua các cuộc thi và qua các hình thức trực quan sinh động khác…

Cùng với việc tuyên truyền nâng cao ý thức của mỗi người khi tham gia sinh hoạt văn hóa nơi công cộng, tỉnh Quảng Ninh cũng quan tâm đầu tư về nguồn nhân lực, tài chính trong việc tạo dựng, kiến thiết hệ thống các thiết chế văn hóa một cách đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Đó là hạ tầng giao thông ngày càng được nâng cấp, mở rộng; những nhà ga, cảng tàu khách du lịch khang trang và hiện đại với sức chứa lên tới hàng nghìn người hay những công trình, những thiết chế văn hóa bài trí cảnh quan hài hòa, thân thiện… Và tại những công trình khang trang đẹp đẽ ấy, mỗi người dân dường như cũng có ý thức hơn trong việc giữ gìn cảnh quan, nói lời hay cử chỉ đẹp bắt nguồn từ những điều nhỏ nhất như không xả rác bừa bãi, không hút thuốc hay không gây gổ, cãi vã, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự và cảnh quan môi trường đô thị.

Có lẽ chính trong không gian, môi trường văn minh, hiện đại, mang đậm sắc thái văn hóa vùng miền, những hành động đẹp cùng những giá trị nhân văn, tốt đẹp đã được đánh thức và được nhân lên để mỗi người dân thêm yêu quê hương Quảng Ninh, hướng tới xây dựng một vùng đất tươi đẹp cả về cảnh quan thiên nhiên, môi trường cũng như đặc trưng văn hóa của những người con Vùng mỏ.

Theo Hoài Anh – TTTT tỉnh
Facebook
Twitter
Telegram
Email

tin tức - sự kiện

Thống kê truy cập

Hôm nay: 55
Hôm qua: 3
Trong tuần: 254

Trong 30 ngày qua: 717
Tổng truy cập: 957260

Đăng ký nhận tin.