Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ninh

Quang Ninh Wonmen's union

Phụ nữ Quảng Ninh: "Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang"

Bài đăng gần đây:

Không để ai bị bỏ lại phía sau

An sinh xã hội là một trong những chủ trương, chính sách quan trọng của Ðảng và Nhà nước. Những năm qua, công tác an sinh xã hội ở Quảng Ninh tiếp tục đạt được nhiều thành quả tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được chăm lo ngày một tốt hơn với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Ông Tằng Chi Sếnh (thôn Pạc Sủi, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà) là hộ đơn thân, có hoàn cảnh khó khăn. Dù nhà đã xuống cấp, dột nát, nhưng ông Sếnh không có khả năng sửa chữa, xây dựng lại. Tuy nhiên, nhờ nguồn xã hội hóa thực hiện xóa nhà tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn huyện, ông đã được hỗ trợ 80 triệu đồng. Cùng với vay mượn thêm của họ hàng, sau hơn 1 tháng thi công, ông Sếnh đã có được ngôi nhà mới khang trang, kiên cố để ở.

Lãnh đạo huyện Hải Hà tặng quà vào nhà mới cho hộ ông Tằng Chi Sếnh (thôn Pạc Sủi, xã Quảng Sơn). Ảnh: Thu Chung

Ông Sếnh xúc động cho biết: Trước đây tôi rất lo lắng mỗi khi có mưa bão. May mắn được huyện hỗ trợ, tôi đã có được ngôi nhà mơ ước. Tôi rất cảm ơn huyện, cảm ơn bà con, các doanh nghiệp đã góp tiền, góp sức giúp người có hoàn cảnh khó khăn như tôi có được ngôi nhà vững chãi.

Được biết, đầu năm 2023, Quảng Ninh đã huy động sức mạnh tổng hợp và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị, hệ thống chính trị toàn tỉnh tham gia hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà ở dột nát. Qua đó, không chỉ gia đình ông Sếnh, mà đến hết ngày 30/9/2023, Quảng Ninh đã hoàn thành hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 441 nhà theo chương trình xóa nhà tạm, nhà ở dột nát trong năm, với tổng kinh phí đã vận động hỗ trợ gần 33 tỷ đồng…

Tháng 7/2023, UBND tỉnh đã triển khai Đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, có 1.450 hộ gia đình người có công trên địa bàn Quảng Ninh được hỗ trợ với tổng kinh phí thực hiện từ ngân sách là 81.766,8 triệu đồng, dự kiến tiến độ hoàn thành trong năm 2023.

Cùng với xóa nhà tạm, nhà ở dột nát, để thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, Quảng Ninh còn thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp không ngừng cải thiện, thay đổi, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo. Tỉnh đã xây dựng và triển khai quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 cao hơn mức chuẩn nghèo theo quy định của Trung ương.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương rà soát quỹ đất phục vụ cho phát triển giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đến từng thôn, bản, khu phố; phấn đấu trong năm 2023, mỗi huyện có ít nhất 1 trường học công lập ở mỗi cấp học giáo dục phổ thông và mỗi thành phố, thị xã có 1 trường THPT công lập theo tiêu chí chất lượng cao. Đồng thời, tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện một số chỉ tiêu đề ra liên quan đến công tác an sinh xã hội, như: Tạo ra 20.000 việc làm tăng thêm; chuẩn bị 50.000 suất tái định cư phục vụ công tác GPMB, thu hồi đất giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh…

Các địa phương tập trung triển khai Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Tỉnh ủy, các nghị quyết của HĐND tỉnh về Chương trình phát triển bền vững kinh tế – xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, gắn với xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025…

Cán bộ, nhân dân xã Quảng An (huyện Đầm Hà) ra quân đóng góp ngày công hỗ trợ người dân tháo dỡ nhà ở dột nát để xây mới (tháng 7/2023). Ảnh: Mai Thắm (Trung tâm TT-VH Đầm Hà)

Các ngành, địa phương đã triển khai đầy đủ, đồng bộ chế độ đối với gia đình chính sách, người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo không có khả năng lao động, đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo. Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tỉnh đã tặng và trợ cấp 345.539 suất quà, với tổng số tiền 191,8 tỷ đồng. Các hoạt động Tết Thiếu nhi 1/6, ngày Người cao tuổi… cũng được triển khai đầy đủ, kịp thời.

Tổng chi an sinh xã hội 9 tháng năm 2023 toàn tỉnh ước khoảng 1.037 tỷ đồng, tăng 81% so cùng kỳ năm 2022. Quảng Ninh đã hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo tiêu chí của Trung ương. 9 tháng năm 2023, theo chuẩn nghèo đa chiều của Trung ương, toàn tỉnh còn 102 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,026% tổng số hộ dân toàn tỉnh; còn theo chuẩn nghèo của tỉnh, toàn tỉnh có 411 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,11 % và 4.208 hộ cận nghèo.

Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 89,19%. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh hiện nay là 99,96%. Có 19.369 lao động được tạo việc làm tăng thêm, tăng 2,04 lần so cùng kỳ năm 2022.

Tỉnh tiếp tục hoàn thiện Đề án nâng cao năng lực trạm y tế xã, phường, thị trấn, nhất là tại các địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo; Đề án tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị nâng cao năng lực cơ sở y tế tỉnh năm 2023… để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân và cộng đồng.

Thời gian tới, công tác an sinh xã hội tiếp tục được Quảng Ninh đẩy mạnh; trong đó tỉnh tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng đời sống nhân dân; phấn đấu đạt mục tiêu duy trì cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của Trung ương trên địa bàn tỉnh.

Theo Thu Nguyệt – TTTT tỉnh
Facebook
Twitter
Telegram
Email

tin tức - sự kiện

Thống kê truy cập

Hôm nay: 9
Hôm qua: 5
Trong tuần: 126

Trong 30 ngày qua: 702
Tổng truy cập: 955093

Đăng ký nhận tin.
Vui lòng bật JavaScript trong trình duyệt của bạn để hoàn thành Form này.