Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ninh

Quang Ninh Wonmen's union

Phụ nữ Quảng Ninh: "Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang"

Đưa du lịch Quảng Ninh khẳng định vị thế điểm đến cạnh tranh toàn cầu

Du lịch được xác định là một trong các trụ cột kinh tế của tỉnh. Với sự đa dạng về loại hình như du lịch biển đảo, du lịch văn hoá – tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm đồng quê, biên giới – hải đảo…, nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, sự kiện, cùng hạ tầng đồng bộ, Quảng Ninh đã và đang là điểm đến yêu thích của du khách, từng bước trở thành trọng điểm du lịch quốc gia, thúc đẩy phát triển bền vững.

Không ngừng đổi mới

Lễ hội thả diều năm 2024 thu hút du khách. Ảnh: Minh Đức

Để khai thác tiềm năng, thu hút du khách, tạo điểm đến hấp dẫn, Quảng Ninh đã không ngừng tìm tòi, khai thác, đưa vào hoạt động đa dạng sản phẩm du lịch. Điểm nhấn là kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, Quảng Ninh đã tổ chức hàng chục chương trình, sự kiện, sản phẩm hấp dẫn, đổi mới, đa dạng. Có thể kể đến như: Carnaval 2024 – Bừng sáng cùng kỳ quan; Lễ hội bia và chả mực, xác lập kỷ lục “Chả mực to nhất Việt Nam”; Liên hoan lân, sư, rồng; Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn; biểu diễn xiếc đường phố; chương trình Chào hè miền Sán Cố xã Quảng An… Qua đó, trong 5 ngày, tổng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt trên 1,018 triệu lượt, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2023 (CK), cao hơn nhiều trọng điểm du lịch phía Bắc như: Hải Phòng, Ninh Bình, Lào Cai. Tổng thu du lịch ước đạt 2.210 tỷ đồng, tăng 53% CK.

Du thuyền Grand Pioneers 2 của Việt Thuận Group với thiết kế sang trọng, hiện đại, chất lượng dịch vụ tiêu chuẩn 5 sao. Ảnh: Hải Ninh (CTV)

Nhằm gia tăng sức hấp dẫn cho du lịch biển đảo, mới đây, hải trình “Hành trình di sản” 3 ngày 2 đêm với du thuyền Grand Pioneers 2 với thiết kế sang trọng, hiện đại, chất lượng dịch vụ tiêu chuẩn 5 sao quốc tế của Việt Thuận Group đã được ra mắt. Đây là các sản phẩm, dịch vụ nằm trong số 62 sản phẩm du lịch mới của Quảng Ninh trong năm 2024. Xuất phát từ Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, hành trình đưa du khách qua các điểm đến biểu tượng của di sản, kỳ quan Vịnh Hạ Long như hòn Trống Mái, hòn Đình Hương, Công viên đá xếp, nối dài đến Vườn Quốc gia Bái Tử Long và các đảo Bản Sen, Quan Lạn, Minh Châu của huyện Vân Đồn với đa dạng các giá trị lịch sử, văn hóa bản địa. Đây là sản phẩm lần đầu tiên kết nối 2 vùng vịnh biển Hạ Long – Bái Tử Long, liên kết các vùng biển, đảo, gia tăng trải nghiệm cho du khách. Hướng đi này cũng kỳ vọng sẽ tạo ra một xu hướng mới cho du lịch nghỉ dưỡng cao cấp trên vịnh, gắn với du lịch xanh, thu hút các thị trường khách cao cấp trong tương lai.

Bãi tắm Minh Châu (huyện Vân Đồn) thu hút du khách.

Hành trình di sản đi qua tất cả vùng biển hiện đang được khai thác du lịch, nối dài không gian du lịch từ Vịnh Hạ Long đến Vườn Quốc gia Bái Tử Long và vùng biển đảo Vân Đồn. Với hành trình này, chúng tôi hy vọng sẽ mang lại cho du khách trải nghiệm trọn vẹn nhất về các hình thái, giá trị địa chất địa mạo, đa dạng sinh học, giá trị về văn hóa lịch sử, điều đặc biệt nhất là trên hành trình con người và thiên nhiên được hòa quyện làm một, ông Lương Hữu Tuyên, Phó Giám đốc Việt Thuận Group nhấn mạnh.

Không chỉ chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, ra mắt các sản phẩm mới, Quảng Ninh còn chú trọng quảng bá hình ảnh, con người và điểm đến. Cùng với việc tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch, hội nghị, hội thảo, nắm bắt cơ hội mở rộng không gian kết nối từ thời đại 4.0, từ tỉnh đến các địa phương, doanh nghiệp đã thực hiện những chiến lược mới để phát triển du lịch, nhất là quảng bá du lịch thông qua các nền tảng xã hội, ứng dụng công nghệ số…

Các nhà sáng tạo nội dung, tiktoker quay clip quảng bá du lịch tại Yên Tử. Ảnh: Hoàng Quỳnh

Cuối năm 2023, Quảng Ninh đã đón đoàn gần 100 nhà sáng tạo nội dung, tiktoker uy tín, có tầm ảnh hưởng lớn của Việt Nam và các quốc gia châu Âu, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á đến khám phá và quảng bá các điểm đến, trải nghiệm như: Vịnh Hạ Long, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử… trên nền tảng TikTok. Ước tính có khoảng 150 triệu lượt người truy cập vào các clip giới thiệu về du lịch Quảng Ninh do các thành viên trong đoàn đưa lên nền tảng TikTok.

Trong tháng 4 vừa qua, TP Hạ Long đã ký kết hợp tác với TikTok Việt Nam và Công ty CP Truyền thông và Giải trí Vitamin Việt Nam triển khai chiến dịch “Happy Hạ Long” và chiến dịch “Hạ Long – Food and Music” để quảng bá những nét đẹp văn hóa và du lịch vốn có của Hạ Long. TP Hạ Long sẽ là địa phương đầu tiên trong cả nước nhân rộng chiến dịch “Việt Nam hạnh phúc – Happy Viet Nam 2024” theo phát động của Bộ TT&TT.

Cùng với đó, các địa phương, doanh nghiệp chủ động ứng dụng công nghệ số để quảng bá hình ảnh, dịch vụ và điểm đến.

Ông Nguyễn Thái Linh, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Cô Tô, cho biết: Xác định tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ để quảng bá điểm đến, nhất là đối với huyện đảo như Cô Tô, huyện đã sớm xây dựng website chuyên đề về du lịch “Coto.gov.vn”, phủ sóng wifi, gắn mã QR tra cứu thông tin. Huyện đã nâng cấp trang thông tin điện tử của Cô Tô, bổ sung ứng dụng bản đồ số du lịch, số hóa thông tin các điểm du lịch, giúp du khách dễ dàng tìm kiếm, liên hệ, đặt dịch vụ. Đồng thời, đẩy mạnh hoàn thiện số hóa, gắn mã QR, thuyết minh song ngữ bằng giọng nói tại các tuyến phố, các khu di tích, điểm tham quan, bãi tắm trên địa bàn, tạo app Cotoguide. Các khách sạn ở Cô Tô chỉ cần 1 nhân viên duy nhất tư vấn cho khách hàng qua điện thoại hoặc online bởi mọi thông tin đã được số hóa và gói gọn trong 1 đường link hoặc mã QR. Nhờ đó, lượng tìm kiếm về Cô Tô trên mạng internet tăng khoảng 180% so với cùng kỳ năm 2023, lượng khách du lịch đến với Cô Tô đầu năm 2024 tăng 160% so với cùng kỳ.

Điểm đến hấp dẫn 4 mùa “không thể bỏ lỡ”

Du khách trải nghiệm tại Làng Nương Yên Tử.

Tỉnh đã xác định mục tiêu cao nhất từ nay đến năm 2030 là xây dựng Quảng Ninh trở thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt, tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng đời sống mọi mặt của nhân dân, trở thành đầu tàu du lịch quốc gia, trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới; phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại, chất lượng cao ngày càng giữ vai trò chủ đạo; ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với hệ thống dịch vụ chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, giá trị gia tăng lớn gắn với phát triển bền vững ngành kinh tế biển; thu hút du khách đến từ khắp năm châu, trở thành điểm đến hấp dẫn 4 mùa “không thể bỏ lỡ” khi đến Việt Nam. Do đó, Quảng Ninh đang xây dựng đề án phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đề án kiên trì, nhất quán thực hiện chủ trương phát triển du lịch Quảng Ninh bền vững và bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh là yêu cầu xuyên suốt trong các chính sách, chiến lược, quy hoạch; phát triển du lịch xanh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm gắn với giữ gìn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc; quản lý, khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị Di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giải quyết tốt các vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự; đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn kết hợp chặt chẽ với công nghiệp, nông nghiệp và phát triển kinh tế biển, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác nhau, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

Quảng Ninh sẽ đồng hành, tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc trong quá trình nghiên cứu, đầu tư các dự án dịch vụ, du lịch. Trong ảnh: Khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh

Dự kiến, đề án sẽ tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án du lịch, dịch vụ; phát triển các sân golf theo quy hoạch; đồng hành, tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc trong quá trình nghiên cứu, đầu tư các dự án dịch vụ, du lịch; đẩy nhanh tốc độ thực hiện các dự án dịch vụ, du lịch đang triển khai. Không gian du lịch sẽ được gắn với không gian văn hóa; định vị các khu du lịch cấp quốc gia tại Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn (gắn với Vịnh Bái Tử Long), Móng Cái, Uông Bí – Đông Triều, Cô Tô. Tỉnh cũng từng bước triển khai có hiệu quả các mô hình du lịch bền vững, có tính tuần hoàn, không rác thải nhựa, không túi lynon, không phát thải các bon…

Việc phát triển kinh tế di sản, làm cho di sản văn hoá và thiên nhiên trở thành nguồn lực, động lực cho tăng trưởng, tạo ra sự đột phá phát triển cho nền kinh tế, nâng cao giá trị thương hiệu địa phương; đổi mới, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm du lịch, dịch vụ đã có nhằm tăng mức chi tiêu, doanh thu và hiệu quả kinh tế du lịch là một trong số các giải pháp trọng tâm. Đồng thời, phát triển hệ sinh thái du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Ninh với nhiều loại hình sản phẩm du lịch mới, độc đáo, có chất lượng cao, khác biệt, giá trị gia tăng cao, nâng tầm du lịch Quảng Ninh trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới, khẳng định vị thế điểm đến cạnh tranh toàn cầu. Đặc biệt, tỉnh cũng sẽ đẩy nhanh chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, khuyến khích sự tham gia của người dân bản địa vào các hoạt động du lịch tại địa phương.

Theo Hiểu Trân – TTTT tỉnh
Facebook
Twitter
Telegram
Email

tin tức - sự kiện

Thống kê truy cập

Hôm nay: 22
Hôm qua: 38
Trong tuần: 171

Trong 30 ngày qua: 835
Tổng truy cập: 955928

Đăng ký nhận tin.