Một trong những chỉ tiêu mà Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 25/11/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 đưa ra là: Tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2022. Để đạt được chỉ tiêu, công tác tuyên truyền, vận động được các cấp, các ngành, địa phương đẩy mạnh.
Các sở, ban, ngành, địa phương, đoàn thể đã đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Bên cạnh tuyên truyền bằng hình thức tổ chức hội nghị, tọa đàm, họp tổ dân, thôn, xóm, phát tờ rơi, treo pano, áp phích, các ngành, địa phương còn tận dụng tối đa hệ thống loa, đài ở các thôn, bản, khu phố, đồng thời vận động, hướng dẫn trực tiếp đến từng hộ dân, nhất là với các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo nhằm phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân nông thôn trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Các địa phương còn tổ chức các phong trào gắn với công tác tuyên truyền hình ảnh địa phương, qua đó tạo không khí vui tươi, phấn khởi, giúp người dân giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và nắm được thông tin phát triển của địa phương.
Cùng với đó, Trung tâm Truyền thông tỉnh và các cơ quan báo chí của trung ương cũng tích cực vào cuộc, tăng cường thời lượng, đa dạng hóa hình thức, nội dung thông tin, tuyên truyền về các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình xây dựng nông thôn mới, những việc làm, mô hình hay, các điển hình trong xây dựng nông thôn mới.
Chỉ tính từ đầu năm đến giữa tháng 5/2022, cơ quan báo chí của trung ương, của tỉnh và hệ thống thông tin cơ sở của các địa phương đã đăng tải trên 500 lượt tin, bài tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu, nông thôn nâng cao, chương trình OCOP, việc thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 15/5/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững kinh tế-xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng- an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh… cũng đã xây dựng và tích cực triển khai các kế hoạch hoạt động trong năm 2022, trong đó có tuyên truyền, vận động về thực hiện xây dựng nông thôn mới và thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh; vận động và hỗ trợ thực hiện chương trình di dời chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường. Qua đó, nhiều địa phương đạt tỷ lệ chuồng trại hợp vệ sinh cao như: Đầm Hà, Tiên Yên đạt 100%, Hải Hà đạt 93%, Ba Chẽ đạt 90%…
Thông qua công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu rõ hơn vai trò chủ thể của bản thân trong xây dựng nông thôn mới, lấy phục vụ lợi ích cho cư dân nông thôn làm động lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, từ đó vào cuộc tích cực trong chương trình. Từ đầu năm đến tháng 5/2022, Ủy ban MTTQ các cấp đã vận động và tiếp nhận hỗ trợ từ các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân với tổng số tiền lên đến 11.955 triệu đồng cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, các doanh nghiệp, đơn vị còn hỗ trợ khoảng 1.000 tấn xi măng, 24.000 viên ngói, 200.000 viên gạch. Đến nay, 98/98 xã trên địa bàn tỉnh đều đạt chuẩn nông thôn mới; tỉnh đã có 44 xã hoàn thiện tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 9/13 huyện, thị, thành phố của tỉnh đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới.
Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia đến các xã, thôn bản thuộc phạm vi chương trình và cộng đồng; phấn đấu trong năm 2022, 4 địa phương còn lại là: Hạ Long, Vân Đồn, Ba Chẽ và Bình Liêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới và tỉnh cũng hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trong năm nay. Do đó, công tác vận động, tuyên truyền vẫn là một trong các giải pháp cần tiếp tục được các ngành, địa phương quan tâm đẩy mạnh.