Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ninh

Quang Ninh Wonmen's union

Phụ nữ Quảng Ninh: "Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang"

Chuẩn mực trong thời đại số

Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025 thuộc nhóm dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng; trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh. Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh đẩy mạnh phát triển kinh tế số, tạo nên một xã hội số với những quy tắc ứng xử chuẩn mực trên không gian mạng. Từ đó xây dựng và lan tỏa hình ảnh con người Quảng Ninh văn minh, lịch sự, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Từ xã hội số…

Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số, từ năm 2012, Quảng Ninh đã “đi trước, đón đầu” trong khai thác cơ hội số, triển khai ứng dụng mạnh mẽ CNTT ở tất cả các lĩnh vực. Tháng 10/2016, tỉnh phê duyệt Đề án triển khai mô hình thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017-2020. Trên cơ sở đó, tỉnh đã triển khai nhiều đề án thuộc Đề án thành phố thông minh, như xây dựng trường học thông minh, bệnh viện thông minh, kiến trúc thành phố thông minh, hệ thống quản lý điều hành giao thông thông minh, đưa vào vận hành hệ thống chiếu sáng thông minh tại TP Hạ Long…

Người dân đến làm thủ tục cấp chữ ký số cá nhân miễn phí tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Tỉnh đã đầu tư hạ tầng công nghệ viễn thông để đáp ứng yêu cầu cho việc triển khai chuyển đổi số toàn diện, đảm bảo chất lượng. Đến nay tỉnh có 7.112 trạm BTS; tỷ lệ phủ sóng thông tin di động đạt 98% các khu vực dân cư; cáp quang phủ rộng tới 100% các xã.

Với hạ tầng viễn thông đồng bộ, từ tháng 6/2022, 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử (HĐĐT); 2.325 hộ kinh doanh cá thể đăng ký sử dụng HĐĐT (đạt 95,7% chỉ tiêu); phổ cập chữ ký số đến 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh; 40% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số. Quảng Ninh đang tổ chức nghiên cứu xây dựng, triển khai nhiều mô hình kinh tế số, dự kiến tỷ trọng kinh tế số năm 2023 chiếm 12% GRDP.

Không chỉ phát triển kinh tế số, Quảng Ninh còn là “dấu son đỏ” trong thực hiện hệ thống chính quyền điện tử. Là một trong các địa phương chủ động báo cáo, đề xuất Chính phủ được lựa chọn “làm điểm” triển khai Đề án 06, đến nay Hệ thống Chính quyền điện tử của tỉnh đã hoàn thành kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; 100% TTHC đủ điều kiện (1.017 dịch vụ công trực tuyến) được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, tổ chức triển khai số hóa, bóc tách dữ liệu đối với 20 TTHC của 5 sở, ngành, 25 dịch vụ công thiết yếu và 100% hồ sơ TTHC theo quy trình “5 bước trên môi trường diện tử” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công (HCC) tỉnh, trung tâm HCC cấp huyện (sớm hơn so với chỉ đạo của trung ương).

Theo đó, từ năm 2020 đến nay, Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh đã số hóa được 37.030 hồ sơ đầu vào (đạt 100%), trả 27.214 kết quả bản điện tử cho tổ chức, người dân (đạt 73,5%); trung tâm HCC cấp huyện tiếp nhận và số hoá 59.412 hồ sơ (đạt 60,8%), trả 35.857 kết quả bản điện tử cho tổ chức, công dân (đạt 36%); hồ sơ TTHC được tiếp nhận và xử lý trên môi trường điện tử của 3 cấp chính quyền đạt tỷ lệ trên 90%.

Thành Đoàn Móng Cái phối hợp với nhân viên Nam Á Bank hướng dẫn mở tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân.

Quảng Ninh đã áp dụng thành công HĐĐT. Toàn tỉnh hiện có 1,6 triệu tài khoản đang hoạt động có chức năng thanh toán không dùng tiền mặt; đã thành lập 1.473 tổ công nghệ số cộng đồng với sự tham gia của 11.255 thành viên; 100% các cơ sở khám, chữa bệnh (bệnh viện, trung tâm y tế), trường học, trung tâm HCC, điện, nước đã triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt; đưa 186 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử; bồi dưỡng kỹ năng chuyển đổi số trên nền tảng đào tạo mở trực tuyến cho 31.000 CBCCVC toàn tỉnh; tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm duy trì, giữ vững là một trong những tỉnh/thành phố đứng đầu cả nước về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT – Truyền thông Việt Nam (ICT INDEX) và Chỉ số Chuyển đổi số (DTI).

Đến quy tắc ứng xử chuẩn mực

Trong dòng chảy của kỷ nguyên công nghệ số, mạng xã hội (MXH) đang là phương tiện truyền thông, giải trí phổ biến được nhiều người sử dụng và ưa thích. Bên cạnh những lợi ích mang lại, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, MXH cũng nảy sinh không ít vấn đề, nhiều cá nhân lợi dụng MXH để đăng thông tin sai sự thật, hoặc có ứng xử thiếu văn hóa. Một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ có xu hướng nghiện MXH, chạy theo lối sống ảo, lợi dụng MXH để đăng tin giật gân câu view, câu like nhằm mục đích trục lợi hoặc vu khống, hay lợi dụng MXH để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Người dùng MXH nếu không cảnh giác, có thể bị lộ thông tin cá nhân, bị lừa đảo về kinh tế.

Cơ quan công an làm việc với chủ tài khoản facebook “Duc Dinh” tên thật là Đinh Văn Đức (SN 1989, trú thôn 4, xã Sông Khoai, TX Quảng Yên) đưa thông tin không đúng sự thật.

Vài năm trở lại đây, trên các nền tảng MXH xuất hiện những nội dung thiếu lành mạnh, ảnh hưởng xấu đến giới trẻ, như trào lưu uy hiếp an toàn hàng không trên Tiktok, những video dàn dựng tiêu cực gây ảnh hưởng xấu, những streamer về game, những người cố gắng thể hiện trên mạng, làm điều phản cảm khiến người trẻ học theo.

Sự phát triển vượt bậc của KHCN thời đại 4.0 cùng sự bắt nhịp chuyển đổi số nhanh chóng, tương tác trên không gian mạng của chính quyền, doanh nghiệp và người dân đòi hỏi cần có những quy tắc ứng xử một cách phù hợp. Vì vậy Chính phủ đã ban hành các quy định pháp luật, như: Luật An ninh mạng; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, Nghị định số 27/2018/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Mọi hành vi vi phạm pháp luật khi sử dụng MXH đều bị xử lý nghiêm theo quy định; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, CNTT và giao dịch điện tử; hoặc có thể bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Bộ TT&TT đã triển khai các giải pháp để hạn chế tình trạng này, như ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH nhằm xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên MXH, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên MXH, để từng người sử dụng có các hành xử phù hợp, không cung cấp, sử dụng các nội dung không lành mạnh nêu trên.

Nhằm xây dựng và hình thành các giá trị chuẩn mực đạo đức, lối hành xử có văn hóa trên không gian mạng, ngày 8/5/2023, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 1151/QĐ-UBND về Bộ Tiêu chí văn hóa số của người Quảng Ninh văn minh, lịch sự trên môi trường số. Bộ Tiêu chí được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh với sự tham gia đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đang sinh sống, làm việc, công tác, học tập, tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Sở VH&TT: Bộ Tiêu chí góp phần hình thành thói quen, cách hành xử trong cộng đồng nhằm điều chỉnh các hành vi, chuẩn mực văn hóa của tổ chức, cá nhân khi tham gia các hoạt động trên môi trường số; góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh với các đặc trưng: Hành chính minh bạch, kinh tế phát triển, văn hoá đặc sắc, xã hội văn minh và người dân hạnh phúc. Thực hiện tốt những nội dung của Bộ Tiêu chí là góp phần giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử có văn hóa trên môi trường số; vừa mang lại môi trường số văn minh, lịch sự, lành mạnh, vừa đảm bảo an toàn cho mỗi người tham gia, tránh những rủi ro vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Bộ Tiêu chí có 4 nhóm: Thượng tôn pháp luật; Văn hóa; An toàn; Trách nhiệm. Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân đang sinh sống, công tác, tham quan, học tập và làm việc trên địa bàn tỉnh khi tham gia các hoạt động trên môi trường số. Nội dung chính là khuyến cáo người dân khi tham gia môi trường số, không nên đăng tải, chia sẻ, bình luận các thông tin, nguồn tin chưa chính xác, tin chưa được kiểm chứng; tránh tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép…

Người dân không nên đăng tải những nội dung có thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác. Chấp hành nghiêm các quy định của Luật An ninh mạng. Đồng thời nên có hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hoá, truyền thống của dân tộc Việt Nam; truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của người dân Vùng mỏ; hướng tới thông điệp nhân văn, xây dựng văn hóa con người Quảng Ninh “Năng động, sáng tạo, hào sảng, lành mạnh, văn minh, thân thiện”.

Cùng với đó, cần có thái độ ứng xử văn hóa, văn minh, tiến bộ, đúng chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội, đúng thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; khuyến khích sử dụng các giải pháp công nghệ để bảo mật thông tin cá nhân trên mạng. Đồng thời tham gia quảng bá, lan tỏa thông điệp tốt đẹp về đất nước – con người, văn hoá truyền thống của tỉnh Quảng Ninh; chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt; đặc biệt là hình thành thói quen về hành xử văn hóa trên không gian số và vận động mọi người làm theo.

Bộ Tiêu chí cũng kêu gọi người dùng MXH tham gia tố giác, phát hiện, đấu tranh, phản bác những thông tin xấu, độc; không đăng tải hoặc thả like những thông tin phiến diện, thiếu chính xác, chưa được kiểm chứng hoặc thông tin về những vụ việc đang trong quá trình điều tra, chưa có kết luận chính thức…

Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh xác định: “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh” là một trong 3 khâu đột phá chiến lược. Những gì Quảng Ninh đã và đang làm không chỉ giúp người dân phát triển toàn diện, đáp ứng những yêu cầu thực tiễn, làm chủ trong xu thế hội nhập; quan trọng hơn là người dân còn được thụ hưởng những tiêu chí của hạnh phúc, thành quả của sự phát triển, tiến bộ của xã hội.

Theo Hoàng Quỳnh – TTTT tỉnh
Facebook
Twitter
Telegram
Email

tin tức - sự kiện

Thống kê truy cập

Hôm nay: 6
Hôm qua: 16
Trong tuần: 293

Trong 30 ngày qua: 764
Tổng truy cập: 953683

Đăng ký nhận tin.
Please enable JavaScript in your browser to complete this form.