Để nâng cao ý thức của hội viên phụ nữ trong bảo vệ môi trường sống, gắn với thực hiện hiệu quả cuộc vận động “5 không, 3 sạch”, Hội LHPN huyện Hải Hà đang tích cực nhân rộng mô hình ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh. Những thay đổi nhỏ trong thói quen sinh hoạt mỗi gia đình đã cho thấy những hiệu quả lớn.
Là Chi hội trưởng phụ nữ thôn 4 (xã Quảng Phong, huyện Hải Hà), chị Vũ Thị Thơm luôn là người đi đầu trong hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường mà Hội LHPN huyện và xã là nòng cốt triển khai thực hiện tại khu dân cư. Tại gia đình chị Thơm, việc giữ gìn “sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ” và thực hành phân loại rác tại nguồn đã trở thành thói quen hằng ngày của mọi thành viên. Cách làm này giúp hạn chế lượng rác của cả gia đình thải ra môi trường, vừa có thể thu gom những món đồ bằng nhựa, kim loại để tái chế, bán phế liệu.
Từ năm 2020 đến nay, việc phân loại rác còn được tối ưu hóa hơn nữa khi chị Thơm lắp đặt hố ủ rác hữu cơ ngay tại vườn nhà. Những loại rác như vỏ trái cây, gốc rau, lá cây, cỏ dại, thức ăn thừa… nay được trao cho một vòng đời mới, trở thành phân bón cho chính khu vườn cây ăn quả của gia đình chị Thơm.
Chị Thơm tâm sự: Trước đây dù chúng tôi có ý tưởng tái chế rác hữu cơ, nhưng mọi người đều khó triển khai vì chưa biết cách xử lý, khiến thời gian ủ rác quá dài kèm theo mùi hôi và côn trùng gây mất vệ sinh. Với mô hình hố ủ rác hữu cơ mà Hội LHPN xã trực tiếp hướng dẫn, “bài toán khó” đã có lời giải. Tôi xây hố ủ bằng gạch ngay tại góc vườn nhà, nhưng có nắp đậy chuyên dùng do hội tài trợ nên đã ngăn triệt để mùi hôi bay ra ngoài và tránh được mọi loài ruồi bọ. Thời gian ủ rác cũng rất nhanh khi rác được trộn cùng chế phẩm vi sinh sau khi đưa vào bể, khiến vi khuẩn có hại bị tiêu diệt, khử mùi, chuyển hóa nhanh các chất mùn tơi xốp chỉ sau 1 tháng. Hơn 2 năm nay, diện tích vườn cây ăn quả hơn 5.000m2 của gia đình tôi đều được chăm bón bằng loại phân đặc biệt này nên sinh trưởng, phát triển rất tốt.
Hiệu quả kép hiện hữu của mô hình ủ rác hữu cơ đã thuyết phục được đông đảo hội viên phụ nữ, nhất là các hộ làm nông nghiệp cùng tin tưởng, ủng hộ làm theo. Được biết, mô hình này bắt đầu được Hội LHPN huyện Hải Hà triển khai từ năm 2020 để cụ thể hóa nội dung phối hợp với UBND huyện về tiêu chí môi trường NTM.
Khi đó, chỉ có một số ít cán bộ hội viên như chị Thơm tiên phong thực hiện. Nhưng đến nay, toàn bộ 11/11 cơ sở hội phụ nữ của Hải Hà đều đã triển khai mô hình này với 520 gia đình hội viên thực hiện, xây dựng được tổng số 570 hố ủ rác. Tương ứng với đó là hàng trăm gia đình, khu dân cư giảm thiểu được 80% lượng rác thải ra môi trường và giảm đáng kể chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải tập trung. Thực tế đã có rất nhiều khu vườn trồng cây ăn quả, rau màu của chị em hội viên được sử dụng thêm nguồn phân bón sạch, thân thiện môi trường, giúp nâng cao hiệu quả canh tác.
Để lan tỏa cách làm hiệu quả trong đông đảo hội viên, các cấp hội LHPN huyện Hải Hà thường xuyên lồng ghép nội dung hướng dẫn thực hiện mô hình ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh vào trong các chuyên đề tuyên truyền, sinh hoạt định kỳ. Đặc biệt, đây đã trở thành một trong những trọng tâm để thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” tại địa phương. Tại các dịp như Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6… các hội LHPN xã, thị trấn đã tiến hành tập huấn, hướng dẫn trực tiếp cho chị em hội viên theo hình thức “cầm tay chỉ việc” về việc phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh ngay tại gia đình. Các hộ đăng ký tham gia được trao tặng nắp hố ủ rác đạt tiêu chuẩn, được tư vấn xây dựng, lắp đặt hố ủ phù hợp trong khuôn viên vườn nhà.