Bộ Nội vụ dự kiến trình Chính phủ nghị định quy định mới về mức tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong tháng 3-2023.
Người lao động làm thủ tục tại Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức (TP.HCM) – Ảnh: DUYÊN PHAN
Bộ Nội vụ đã ban hành quyết định về chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2023.
Một điểm đáng chú ý là Bộ Nội vụ giao Vụ Tiền lương chủ trì thực hiện và sẽ trình Chính phủ nghị định quy định mức lương cơ sở với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vào tháng 3-2023.
Hiện nay, mức lương cơ sở vẫn được áp dụng theo nghị định 38/2019 của Chính phủ là 1,49 triệu đồng/tháng.
Sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết tại kỳ họp thứ 4 (tháng 11-2022) về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, từ ngày 1-7 tới đây, lương cơ sở sẽ tăng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng.
Tính theo mức lương cơ sở mới, trung bình thu nhập với công chức tăng thêm 725.400 đồng/tháng (tăng 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành).
Về vấn đề nguồn lực để thực hiện tăng lương cơ sở trong năm 2023, tại thông tư 78 do Bộ Tài chính mới ban hành quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, bộ này hướng dẫn cơ chế tạo nguồn để thực hiện chế độ tiền lương, trợ cấp trong năm 2023.
Theo đó, các bộ, cơ quan trung ương thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo quy định; trong đó phạm vi, tỉ lệ trích số thu được để lại thực hiện theo quy định.
Đồng thời khi phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc phải xác định tiết kiệm 10% chi thường xuyên tăng thêm năm 2023 (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp, đóng góp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dành cho cải cách tiền lương, đảm bảo không thấp hơn mức Bộ Tài chính giao.
UBND các tỉnh, thành phố khi phân bổ và giao dự toán ngân sách cho ngân sách cấp dưới phải xác định tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên năm 2023 (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp, đóng góp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) để thực hiện cải cách tiền lương năm 2023.
UBND các cấp khi phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc phải xác định tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên nêu trên. Số tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên năm 2023 của các địa phương đảm bảo không thấp hơn mức Bộ Tài chính giao…
Theo thông tư, nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2023 của các địa phương bao gồm: 70% tăng thu ngân sách địa phương năm 2022 thực hiện so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao.
Nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2022 còn dư chuyển sang; 10% tiết kiệm chi thường xuyên dự toán năm 2023 đã được cấp có thẩm quyền giao…
Trước đó, tại chỉ thị ban hành sau Tết Quý Mão 2023, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ nghị định quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Trong năm 2023, Bộ Nội vụ cũng sẽ rà soát xây dựng nghị định về chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng vào cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
Cạnh đó là nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.