Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ninh

Quang Ninh Wonmen's union

Phụ nữ Quảng Ninh: "Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang"

Tiếp cận kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Hiện chất thải rắn sinh hoạt đang gây áp lực lớn lên hệ thống thu gom, xử lý chất thải tại các địa phương trong tỉnh. Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chất thải cũng được coi là tài nguyên và nguyên liệu sản xuất nếu được phân loại đúng cách. Do đó, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn cho quản lý chất thải rắn sinh hoạt cần sớm được triển khai đồng bộ từ khâu phân loại, thu gom đến khâu xử lý.

Rác thải sinh hoạt của TP Hạ Long hiện vẫn đang được xử lý theo hình thức chôn lấp tạm tại Khu xử lý rác thải sinh hoạt xã Hòa Bình.

Thống kê, hiện khối lượng chất thải rắn sinh hoạt cả đô thị và nông thôn phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.200 tấn/ngày, khối lượng được thu gom, xử lý đạt trên 1.139 tấn/ngày (đạt 96%) và chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn. Tại khu vực ngoại thành của các đô thị và ở các xã nông thôn, miền núi có tỷ lệ thu gom đạt khoảng 80% lượng phát sinh. Đáng chú ý, khoảng 70% chất thải rắn sinh hoạt mới được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, 26% được xử lý bằng công nghệ đốt tại các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt cấp tỉnh, lò đốt chất thải rắn sinh hoạt các đô thị và lò đốt chất thải rắn sinh hoạt tại các xã nông thôn, phần còn lại khoảng 4% được xử lý bằng phương pháp tái chế thu hồi nhựa và chế biến phân compost.

Đánh giá chung cho thấy, việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt chưa được áp dụng theo phương thức quản lý tổng hợp, chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu trong sinh hoạt. Đến nay, chưa có địa phương nào triển khai phân loại rác tại nguồn đồng bộ; chưa cung cấp được dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường; các chương trình phân loại tại các địa phương còn mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ. Trong khi đó, việc áp dụng công nghệ đốt nước ngoài khi sử dụng gặp một số khó khăn do chất thải rắn sinh hoạt phần lớn chưa được phân loại tại nguồn, độ ẩm cao, hiệu quả thấp hơn công suất thiết kế hoặc không ổn định, dẫn đến chi phí xử lý cao…

Điển hình là ở Hạ Long, chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố vẫn chưa được phân loại tại nguồn mà đang được thu gom hỗn hợp với tất cả các chất thải khác và được tiếp nhận và xử lý tại Khu xử lý rác thải sinh hoạt ở xã Hòa Bình. Tuy nhiên, khối lượng rác được xử lý chôn lấp hợp vệ sinh thấp, chủ yếu rác thải được xử lý tạm theo phương thức tập kết, san ủi thành bãi phẳng đầm nén để xe chở rác có thể tiếp tục tập kết rác, sau đó là phun xịt chế phẩm vi sinh, rắc vôi bột, hoá chất để diệt trừ ruồi muỗi. Ngoài ra, với hơn 1 triệu tấn rác thải tồn đọng tại khu vực chứa rác tạm trên địa bàn 2 xã Vũ Oai và Hòa Bình, cộng với mỗi ngày có khoảng 170 tấn rác thải sinh hoạt được xử lý theo hình thức chôn lấp tạm, khiến cho TP Hạ Long đang phải đối mặt với thực trạng tiềm ẩn rất lớn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khu vực. Nguyên nhân chủ yếu là do phương án phân loại rác sinh hoạt tại nguồn của thành phố còn thấp là do việc tuyên truyền để người dân hiểu về tác dụng của việc phân loại rác tại nguồn còn hạn chế; hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn chưa đồng bộ, nhiều điểm tập kết rác còn tạm bợ, chế tài xử lý vi phạm chưa hợp lý, trong khi đó để phân loại rác phải trang bị ít nhất 2 thùng phân loại rác (hữu cơ, vô cơ) riêng biệt.

Việc phân loại rác tại nguồn tại các địa phương chưa đồng bộ từ khâu thu gom đến xử lý. (Chi hội Phụ nữ khu phố Hòa Bình, thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên thực hiện phân loại, tái chế rác thải nhựa. Ảnh: Văn Bá-CTV)

Những tồn tại nói trên dẫn đến phát sinh nguy cơ về ô nhiễm môi trường, chưa đảm bảo theo đúng mục tiêu mà tỉnh đặt ra tại Kế hoạch số 91/KH- UBND của UBND tỉnh ban hành ngày 4/4/2024 về tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng năm 2030 là phấn đấu đến năm 2030, 100% các loại chất thải rắn phát sinh được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, hạn chế khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp đến mức thấp nhất.

Tham luận tại Hội thảo khoa học “Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản” do Thành ủy Hạ Long tổ chức tháng 12/2024, TS Nguyễn Hoàng Giáp, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, khẳng định: Quảng Ninh cần tích cực thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, hướng tới tiếp cận kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Đây là một trong những giải pháp căn cơ để giảm sức ép về xử lý chất thải rắn. Quảng Ninh cần ban hành khung cơ sở pháp lý về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo phân cấp của Bộ TN&MT. Đồng thời, đôn đốc các địa phương tập trung nguồn lực hoàn thành quy hoạch, bố trí vị trí, mặt bằng, đầu tư xây dựng khu xử lý, điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; bố trí nguồn lực, đảm bảo lộ trình thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển theo quy định; hỗ trợ, khuyến khích các đơn vị vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đầu tư đồng bộ về phương tiện, thiết bị, công nghệ, hạ tầng. Đặc biệt, cần chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh triển khai mô hình thí điểm phân loại rác tại nguồn đồng bộ từ khâu phân loại, thu gom đến khâu xử lý. TP Hạ Long cần nhanh chóng có nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ phân loại xử lý rác thải tạo nguyên liệu thứ cấp tại Khu xử lý rác tại xã Hòa Bình, đáp ứng yêu cầu xử lý triệt để khối lượng rác tồn đọng và phát sinh hàng ngày.

Theo Hoàng Nga – TTTT tỉnh
Facebook
Twitter
Telegram
Email

tin tức - sự kiện

Thống kê truy cập

Hôm nay: 23
Hôm qua: 39
Trong tuần: 196

Trong 30 ngày qua: 821
Tổng truy cập: 958213

Đăng ký nhận tin.