Từ năm 2023, tuổi nghỉ hưu tiếp tục được điều chỉnh tăng theo lộ trình, nam thêm 3 tháng, nữ thêm 4 tháng so với tuổi nghỉ hưu áp dụng năm 2022.
Bộ Luật Lao động – Thương binh và Xã hội sửa đổi năm 2019 quy định, tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường từ 60 lên 62 tuổi với nam, và từ 55 lên 60 tuổi với nữ.
Lộ trình tăng tuổi hưu bắt đầu từ năm 2021, mỗi năm tăng thêm 3 tháng làm việc với nam, và 4 tháng với nữ, cho tới khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Tuổi nghỉ hưu này áp dụng với lao động làm việc trong điều kiện bình thường.
Với lộ trình trên, năm 2023, tuổi nghỉ hưu của nam là 60 tuổi 9 tháng, tức áp dụng với nam sinh năm 1963. Với nữ, từ năm tới, tuổi nghỉ hưu áp dụng là 56 tuổi, tức với nữ sinh năm 1968.
Luật cho phép người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt có quyền nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm so với tuổi trên.
Trường hợp người lao động làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, vùng khó khăn… sẽ được nghỉ hưu trước tuổi, nhưng không sớm quá 5 năm.
Ngoài ra, người lao động mất sức làm việc có thể nghỉ hưu sớm hơn 10-15 năm, nếu đáp ứng điều kiện về suy giảm khả năng lao động theo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH).
Cụ thể, theo Điều 55 Luật BHXH quy định về các điều kiện nghỉ hưu trước tuổi được hưởng lương hưu khi đóng BHXH đủ 20 năm như sau: Nếu suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được nghỉ hưu và hưởng lương khi nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi. Trường hợp suy giảm khả năng lao động từ 81% nam được nghỉ hưu khi đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi.
Trường hợp suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và từ 15 năm trở lên làm công việc, ngành nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (không cần điều kiện về tuổi đời) vẫn đủ điều kiện nghỉ hưu có lương.
Theo Nghị định 50/2022/NĐ-CP ngày 2/8/2022 của Chính phủ, cho phép viên chức có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập được tăng tuổi nghỉ hưu thêm 5 năm so với tuổi nghỉ hưu chung.
Cụ thể, gồm: Viên chức có học hàm Giáo sư, Phó giáo sư; Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo là Tiến sĩ hoặc chuyên khoa II; Giám định viên pháp y, tâm thần; Viên chức có chuyên môn, kỹ thuật cao trong một số lĩnh vực sự nghiệp đặc thù theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Nghị định 50/2022 cũng quy định, trong thời gian thực hiện nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, viên chức chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn, không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và không được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo.