Cán bộ Hội cơ sở mạnh dạn, tự tin trong điều hành các hoạt động tại cơ sở
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 – 2027, các cấp Hội tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, kiên trì phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội” thông qua các hoạt động: tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ Hội cơ sở; nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng sinh hoạt hội viên; lựa chọn và nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả hướng tới tập hợp phụ nữ, phát triển hội viên; tham mưu, đề xuất và huy động nguồn lực xây dựng cơ sở Hội; tăng cường phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, tổ chức hỗ trợ các hoạt động chăm lo cho cán bộ Hội cơ sở.
Hiện nay, đội ngũ Chủ tịch Hội cơ sở, độ tuổi dưới 45 chiếm số lượng lớn (gần 80%), có thâm niên công tác Hội cao (trên 60% trên 5 năm), trình độ chuyên môn được đào tạo cơ bản (gần 85% đại học và trên đại học), đa số được bồi dưỡng lý luận chính trị (trên 90% trung cấp và cao cấp). Kỹ năng cơ bản của đội ngũ cán bộ Hội cơ sở đáp ứng yêu cầu: mạnh dạn, tự tin trong điều hành các hoạt động tại cơ sở, sử dụng thành thạo phần mềm cơ bản trong công tác Hội. Việc đổi mới phương pháp tổ chức sinh hoạt Hội được triển khai với nhiều cách thức sáng tạo, phù hợp với hội viên ở từng vùng miền.
Thực hiện chỉ tiêu 100% cơ sở Hội triển khai mô hình “1+1” và “3 có, 3 biết” xây dựng, củng cố ít nhất 01 mô hình thu hút hội viên đặc thù hoạt động sáng tạo, hiệu quả. Đến tháng 6/2024, cả nước có 13.752 cơ sở có mô hình “1+1” và 8.730 cơ sở có mô hình “3 có, 3 biết”, dự kiến đạt chỉ tiêu trong nhiệm kỳ.
Thực hiện chỉ tiêu phấn đấu ít nhất 50% chi hội trưởng chưa là đảng viên được Hội LHPN cấp cơ sở bồi dưỡng, giới thiệu phát triển đảng. Theo kết quả khảo sát tháng 12/2023, hiện cả nước có 85.328 Chi hội trưởng, trong đó 38.506 chi hội trưởng là đảng viên, chiếm 38,51%. Theo kế hoạch, toàn quốc phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ đạt ít nhất 33.000 chi hội trưởng được bồi dưỡng, giới thiệu phát triển đảng. Tuy nhiên, dự kiến chỉ tiêu này khó đạt vào cuối nhiệm kỳ.
Thực hiện chỉ tiêu phấn đấu ít nhất 90% chi hội trưởng được hỗ trợ chế độ bồi dưỡng hàng tháng từ nguồn ngân sách của địa phương hoặc các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định, tính đến tháng 6/2024, cả nước có 84.884/85.180 (99,66%) chi hội trưởng được hỗ trợ chế độ bồi dưỡng hàng tháng do kiêm nhiệm các công việc có thù lao (tổ trưởng tổ vay vốn, cộng tác viên y tế, cộng tác viên dân số…), trong đó, có 62.469/85.180 (73,35%) chi hội trưởng đã được hỗ trợ hàng tháng từ nguồn ngân sách địa phương; 62/63 tỉnh, thành (trừ Ninh Thuận) đội ngũ Chi hội trưởng được hỗ trợ từ nguồn ngân sách hoặc các nguồn thu hợp pháp khác.
99% cán bộ Hội các cấp sử dụng thành thạo các phần mềm trong hệ thống Hội
Xác định chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là giải pháp quan trọng giúp nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động, TƯ Hội LHPN Việt Nam đã chọn chủ đề “Tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động Hội” triển khai trong toàn hệ thống Hội các cấp; tổ chức thành công Chuỗi sự kiện “Ngày hội Phụ nữ trên hành trình chuyển đổi số”, điểm nhấn là Cuộc thi “Ứng dụng CNTT trong sinh hoạt Hội” và Hội thảo Quốc gia “Chuyển đổi số trong hoạt động của Hội LHPN Việt Nam” nhằm tập trung nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ phụ nữ tham gia chuyển đổi số; tăng cường sử dụng các phần mềm điều hành tác nghiệp trong quản lý, điều hành.
Hội LHPN Việt Nam và Bộ Công an đã ký kết phối hợp trong thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn 2030” tạo cơ chế kết nối dữ liệu cán bộ, hội viên phụ nữ vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cổng thông tin điện tử của Hội được chú trọng nâng cao chất lượng; năm 2024, Fanpage “Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam” nhận tick xanh – xác nhận là fanpage chính thức cung cấp thông tin của Hội LHPN Việt Nam giúp tăng cường độ bảo mật, an toàn, gia tăng độ phủ sóng các hoạt động Hội trên mạng xã hội.
Hội LHPN các tỉnh, thành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động Hội; khai thác tối đa hiệu quả phần mềm, các nền tảng xã hội, tổ chức hoạt động hỗ trợ hội viên, phụ nữ tham gia chuyển đổi số; đổi mới nội dung chuyên trang, chuyên mục trên cổng/trang thông tin điện tử; tổ chức các cuộc thi trực tuyến, livestream, thành lập các nhóm Zalo cung cấp thông tin; tập huấn, hướng dẫn, nâng cao nhận thức, năng lực, kỹ năng cho cán bộ, hội viên, phụ nữ ứng dụng CNTT; hoạt động hỗ trợ phụ nữ qua “Tổ công nghệ số cộng đồng” được chú trọng.
Đến nay, có 10.373/10.543 Hội LHPN cấp cơ sở (chiếm tỷ lệ 98,4%) ứng dụng và 15.236 cán bộ Hội các cấp (chiếm tỷ lệ 99%) sử dụng thành thạo các phần mềm trong hệ thống Hội; 84.206 Chi hội sử dụng mạng xã hội trong các hoạt động Hội. 42/63 tỉnh, thành đã có 100% cơ sở Hội được trang bị máy tính riêng có kết nối mạng, còn 752 Hội LHPN cấp cơ sở chưa được trang bị máy tính riêng để làm việc. Các cấp Hội trên cả nước có 13.723 Fanpage; số hội/nhóm/câu lạc bộ do các cấp Hội thành lập có 120.591 trên Zalo, 23.380 trên Facebook và 259 trên các nền tảng mạng xã hội khác.
Theo Báo Phụ nữ Việt Nam