Quảng Ninh có tốc độ đô thị hóa cao, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh dẫn đến phát thải lớn lượng rác thải rắn sinh hoạt ra môi trường. Để đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, thời gian qua, tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc quản lý, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, tuyệt đối không để lượng rác thải bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng du lịch, dịch vụ trên địa bàn.
Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã thường xuyên quan tâm, ban hành các nghị quyết, văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành có những kế hoạch, giải pháp quản lý chặt chẽ các nguồn phát thải, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là tại các vùng đô thị, khu vực đông dân cư sinh sống, làm việc.
Các địa phương đã tích cực chỉ đạo, phân công các phòng ban chuyên môn, phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể vào cuộc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức của người dân về công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Huyện Vân Đồn, địa phương vừa có rừng, có biển với nhiều khu đô thị, du lịch mới được hình thành, lượng rác thải rắn sinh hoạt theo đó cũng tăng theo từng năm. Nhằm đảm bảo lượng rác thải này không ảnh hưởng đến môi trường, nhất là môi trường biển nơi có nhiều diện tích mặt biển NTTS của người dân và các bãi tắm du lịch, huyện Vân Đồn đã chỉ đạo các phòng chức năng, UBND các xã, thị trấn phân loại, tái chế và tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt theo hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt của Bộ TN&MT; xây dựng, nhân rộng các mô hình về tái chế chất thải rắn sinh hoạt, ủ phân vi sinh đối với rác hữu cơ; duy trì đều đặn ngày chủ nhật xanh.
Ông Đinh Đức Minh, Trưởng Phòng TN&MT huyện Vân Đồn, cho biết: Hiện nay, huyện Vân Đồn triển khai thực hiện nhiều mô hình tự quản, mô hình kiểu mẫu về bảo vệ môi trường phù hợp với phong tục tập quán của từng địa bàn. Nhiều địa bàn khu dân cư đã thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn, tạo thuận lợi cho việc thu gom, vận chuyển mang đi tiêu hủy hoặc tái chế sử dụng.
Theo Sở TN&MT, hiện các địa phương trong tỉnh đã thực hiện bố trí 884 điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt, cơ bản đáp ứng nhu cầu tập kết tạm. Một số địa phương đã đầu tư trạm cân rác và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với các xe chở rác nhằm kiểm soát chặt chẽ khối lượng thu gom, vận chuyển đưa vào khu vực xử lý rác theo quy định; đồng thời, thực hiện thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình theo quy định của Luật BVMT.
Theo thống kê của các địa phương, trong 6 tháng đầu năm, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ước khoảng 217.000 tấn. Trong đó, khối lượng tại khu vực đô thị được thu gom, xử lý khoảng 158.000 tấn, đạt khoảng 97,5%; khối lượng khu vực nông thôn được thu gom, xử lý khoảng 51.000 tấn, đạt khoảng 94,5%; tỷ lệ thu gom, xử lý tại các xã đảo, các xã có hoạt động du lịch đạt khoảng 98%.
Ông Trần Như Long, Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: Việc triển khai công tác phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn còn chậm so với kế hoạch đặt ra theo yêu cầu của Luật BVMT. Đến nay, chưa có địa phương nào triển khai phân loại rác tại nguồn đồng bộ; chưa cung cấp được dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại theo quy định của Luật BVMT; còn thiếu địa điểm tập kết, trạm trung chuyển đáp ứng quy định; công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu qua hình thức chôn lấp và đốt, ngoại trừ khu xử lý ở xã Quảng Nghĩa (Móng Cái) đã có đủ hạ tầng công nghệ; chưa ban hành các quy định về định mức, đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý theo yêu cầu về phân loại chất thải rắn sinh hoạt.
Để đảm bảo công tác quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý được đồng bộ, tới đây, UBND tỉnh sẽ ban hành khung cơ sở pháp lý về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo phân cấp của Bộ TN&MT; đồng thời sẽ đôn đốc các địa phương tập trung nguồn lực hoàn thành quy hoạch, bố trí vị trí, mặt bằng, đầu tư xây dựng khu xử lý, điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; bố trí nguồn lực, đảm bảo lộ trình thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển theo quy định; hỗ trợ, khuyến khích các đơn vị vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đầu tư đồng bộ về phương tiện, thiết bị, công nghệ, hạ tầng. Đặc biệt, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh triển khai mô hình thí điểm phân loại rác tại nguồn, từ đó hoàn thiện quy trình, làm cơ sở để triển khai thực hiện đồng loạt tại các địa bàn dân cư sau ngày 31/12/2024.