Hội LHPN tỉnh chú trọng lựa chọn các hoạt động, việc làm ý nghĩa, thiết thực, thúc đẩy sự tham gia của cả cộng đồng, nhằm đảm bảo cho phụ nữ và trẻ em có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Với mong muốn hỗ trợ phụ nữ yếu thế có được việc làm, tạo thêm thu nhập, Hội LHPN phường Hà Lầm (TP Hạ Long) đã mở lớp đào tạo miễn phí đan móc len.
Chị Trần Thị Hợi (khu 6, phường Hà Lầm) bị tai nạn, khuyết tật chân. Nhiều năm nay, chị không thể có được một công việc do bị hạn chế vận động. Chi phí sinh hoạt của 3 mẹ con chị đều nhờ vào sự giúp đỡ của người thân và khoản trợ cấp xã hội hằng tháng của chị. Nhờ có lớp đào tạo nghề đan móc len, chị đã có được một công việc phù hợp với bản thân, tạo ra các sản phẩm ngay tại nhà.
Chị Hợi chia sẻ: “Tôi đã bị liệt 11 năm nay, đi lại rất khó khăn, nên để có được một công việc phù hợp là điều không dễ dàng. Từ khi được đào tạo miễn phí về đan móc len, tôi thấy đây là công việc rất phù hợp với bản thân, có thêm thu nhập để nuôi con, tôi rất phấn khởi”.
Trên địa bàn phường Hà Lầm có rất nhiều hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm. Từ khi mở lớp đào tạo nghề đan móc len miễn phí, đã có rất nhiều chị em tham gia học. Lớp học diễn ra trong nửa tháng, chị em đã có thể thành thạo làm được các sản phẩm từ đơn giản đến yêu cầu kỹ thuật cao. Các sản phẩm làm ra được Công ty CP Hợp tác thương mại và Dạy nghề Bảo Trung (tỉnh Lâm Đồng) bao tiêu, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Chị Lưu Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN phường Hà Lầm, cho biết: Hội mong muốn nhân rộng mô hình này đến các hội phụ nữ phường, xã khác trên địa bàn thành phố để tiếp tục đào tạo cho chị em học nghề, tạo điều kiện cho chị em có hoàn cảnh khó khăn có được một công việc ổn định, tạo thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ tỉnh đã tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, hỗ trợ hội viên, phụ nữ yếu thế, gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn; làm tốt công tác bảo vệ và chăm sóc phụ nữ, trẻ em với nhiều chương trình ý nghĩa.
Điển hình, các cấp hội tập trung tuyên truyền, huy động nguồn lực triển khai chương trình, mô hình “Mẹ đỡ đầu”, nhằm hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Hội LHPN Việt Nam. Hội LHPN tỉnh đã gửi Thư ngỏ của Hội LHPN Việt Nam về việc mời tham gia, đồng hành thực hiện chương trình đến 10 đơn vị, sở, ban, ngành, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã có Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh, Công ty Điện lực Quảng Ninh quyên góp, ủng hộ chương trình và chuyển kinh phí 6 triệu đồng về Hội LHPN Việt Nam. Ở cấp huyện có 277 trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận đỡ đầu (hoặc giới thiệu đỡ đầu) chăm sóc trực tiếp, giúp đỡ, nuôi dưỡng, với số tiền vận động trên 1 tỷ đồng.
Chị Phạm Thị Hải, Chủ tịch Hội LHPN TP Uông Bí, cho biết: Hội đã triển khai và cho ra mắt 3 mô hình “Mẹ đỡ đầu” tại các phường Thanh Sơn, Quang Trung. Các cấp hội phụ nữ thành phố đã nhận đỡ đầu cũng như kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nhà hảo tâm nhận đỡ đầu trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Sau hơn 5 tháng triển khai, 26 trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được các cấp hội hỗ trợ, kết nối cam kết hỗ trợ, đỡ đầu đến khi đủ 18 tuổi. Mô hình “Mẹ đỡ đầu” đã góp phần kết nối những tấm lòng nhân ái đồng hành cùng trẻ mồ côi, tạo ra tương lai tươi sáng, giúp các em có thể vượt qua hoàn cảnh, nỗ lực vươn lên trong học tập…
Theo Vân Anh – TTTT tỉnh