Quảng Ninh là tỉnh có biên giới trải dài trên biển và trên bộ nên tình hình tội phạm mua bán người vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ, phức tạp, khó lường. Do đó, tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phòng, chống mua bán người hiệu quả, giữ vững an ninh trật tự, đảm bảo QPAN.
Chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu) tuyên truyền về phòng, chống mua bán người.
Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, chương trình, kế hoạch nhằm đấu tranh, ngăn chặn, phòng chống mua bán người. Trong đó, tỉnh đều đảm bảo mục tiêu 100% nạn nhân bị mua bán trở về có hộ khẩu thường trú và tiếp nhận qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh đều được hỗ trợ kịp thời theo quy định của Nhà nước. Có thể kể đến: Kế hoạch 103/KH-UBND ngày 25/5/2021 về triển khai thực hiện chương trình phòng chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030; kế hoạch 104/KH-UBND ngày 27/5/2021 đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lầm lỗi, chấp hành xong án phạt tù, người sau cai nghiện, người bán dâm, nạn nhân bị mua bán, người đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng trở về địa phương giai đoạn 2021-2025; kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 30/9/2022 về phối hợp giữa các sở, ngành, UBND các địa phương trong tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh…
Sau khi kết thúc dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” do Bộ Nội vụ Vương quốc Anh tài trợ, Quảng Ninh là tỉnh duy nhất tiếp tục duy trì dự án bằng ngân sách tỉnh. Do đó, tỉnh đã chỉ đạo thành lập thí điểm, ra mắt, đưa vào hoạt động CLB Phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân tại 5 phường (Hùng Thắng, Cao Xanh, Bạch Đằng, Hồng Gai, Tuần Châu) trên địa bàn TP Hạ Long từ đầu tháng 5/2022. Nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động, Ban chủ nhiệm CLB đều là người có uy tín tại tổ dân, khu phố, hoặc tham gia công tác đoàn thể ở phường. Các thành viên tham gia CLB là cộng tác viên công tác xã hội, cán bộ tổ dân, khu phố; nạn nhân bị mua bán; người di cư trái phép từ nước ngoài trở về… Bên cạnh duy trì sinh hoạt hàng tháng; rà soát, phát hiện nạn nhân, nghi nạn nhân và người có nguy cơ trở thành nạn nhân bị mua bán để vận động tham gia hoạt động; giảm thiểu trở thành nạn nhân mua bán người, CLB tập huấn về kỹ năng tiếp cận, truyền thông về phòng, chống mua bán người, hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bị mua bán, hướng dẫn, chuẩn bị các nội dung truyền thông cộng đồng về phòng, chống mua bán người; nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống mua bán người, kịp thời quan tâm, hỗ trợ, động viên các nạn nhân, chung tay đẩy lùi tệ nạn.
Bên cạnh việc triển khai hiệu quả các dự án, tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động cụ thể nhằm tích cực đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, huy động nguồn lực toàn xã hội, chung tay phòng, chống mua bán người hiệu quả. Trong đó, Sở LĐ-TB&XH đã cấp phát 80.000 tờ rơi, 10.000 cuốn tài liệu hỏi đáp luật pháp, 177 chiếc pano; Hội LHPN tỉnh tổ chức thi sáng tác các tác phẩm VHNT về phòng, chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại; Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tổ chức 15 buổi với 776 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia quán triệt các văn bản pháp luật liên quan đến phòng, chống mua bán người cho nhân dân…
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến cho việc hoàn thiện pháp luật phòng, chống mua bán người tại Quảng Ninh.
Nhằm nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống mua bán người, Quảng Ninh là tỉnh tiên phong sớm có chương trình phối hợp liên ngành giữa Sở LĐ-TB&XH, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh trong tiếp nhận, xác minh, xác định, bảo vệ, trao trả và hỗ trợ nạn nhân.
Triển khai quy chế liên bộ phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, tỉnh đã ban hành kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 30/9/2022 về phối hợp giữa các sở, ngành, UBND các địa phương trong xác minh, xác định, tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán nhằm đảm bảo đồng bộ.
Đối với công tác tiếp nhận công dân Việt Nam từ nước ngoài, các đơn vị thuộc Công an tỉnh đã phối hợp với lực lượng có liên quan triển khai các phương án, kế hoạch đảm bảo việc tiếp nhận công dân Việt Nam khi phía Trung Quốc bàn giao.
Các đồn biên phòng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng; tăng cường tuần tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, vùng biển; trao đổi thông tin, điều tra, xác minh, phân loại các đối tượng có dấu hiệu nghi vấn hoạt động tội phạm mua bán người và số người Việt Nam nhập cảnh trái phép bị Trung Quốc bắt, trao trả qua cửa khẩu.