Văn hoá chính là nền tảng tinh thần to lớn tạo nên sự phát triển của xã hội. Nhằm chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa địa phương, dân tộc, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, huy động sự tham gia tích cực của hội viên, phụ nữ. Qua đó, góp phần xây dựng, phát huy giá trị văn hoá, con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững.
Chung tay bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa
Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2021-2026 tiếp tục cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 11-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, bằng việc phát động và thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng hình ảnh người phụ nữ Quảng Ninh thời đại mới có tri thức, đạo đức, sức khỏe, năng động, sáng tạo, văn minh, thân thiện, góp phần vun đắp giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam”.
Xác định phụ nữ là nhân tố tích cực tham gia bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của tỉnh, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ thêm hiểu biết và yêu mến, tự hào về các giá trị văn hóa của dân tộc; phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến của phụ nữ trong việc gìn giữ văn hóa.
Các cấp hội phụ nữ đã tích cực vận động hội viên, phụ nữ hưởng ứng và tham gia sôi nổi các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”… gắn với thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu. Toàn tỉnh có 95% gia đình hội viên đạt “Gia đình văn hóa”.
Cùng với đó, hội viên phụ nữ tại các địa phương cũng tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ văn hóa truyền thống thông qua các lễ hội, hoạt động văn hóa, văn nghệ thường niên. Tiêu biểu như các cấp hội phụ nữ huyện Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà đã thành lập và duy trì hiệu quả các mô hình câu lạc bộ dân ca truyền thống, câu lạc bộ thêu trang phục truyền thống; 100% các cơ sở hội phát động và thực hiện phong trào “Mỗi phụ nữ lựa chọn một hình thức văn hóa – văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng phù hợp để rèn luyện sức khỏe”.
Với đặc thù là tỉnh có nhiều lợi thế về du lịch, dịch vụ, các cấp hội phụ nữ đã phối hợp với các đơn vị, địa phương nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trong gia đình, cộng đồng. Trong 5 năm qua, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 18 lớp tập huấn kiến thức về văn hóa giao tiếp ứng xử vùng du lịch, di sản cho gần 800 cán bộ, hội viên, phụ nữ, chủ nhà hàng, khách sạn kinh doanh về du lịch; thành lập 4 mô hình “Văn hóa phụ nữ vùng du lịch” tại huyện Cô Tô và phường Bãi Cháy, TP Hạ Long…
Làm giàu thêm bản sắc văn hóa, con người Quảng Ninh
Phát huy kết quả tích cực đạt được trong thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của Tỉnh ủy, triển khai thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 170/KH-HPN-TGCSLP ngày 17/12/2023 nhằm sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Hội LHPN tỉnh đã đặt ra các mục tiêu cụ thể như: Hằng năm có 95% trở lên hộ gia đình cán bộ hội viên phụ nữ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 85% trở lên cơ quan chuyên trách hội (cấp tỉnh, huyện) đạt danh hiệu “Cơ quan, đơn vị văn hóa”; 100% cán bộ hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền về hệ giá trị tỉnh Quảng Ninh, hệ giá trị con người Quảng Ninh, hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam; 90% trở lên hội viên phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được thụ hưởng, tham gia các hoạt động văn hóa, kênh truyền thông của hội, của tỉnh, địa phương, cơ sở; 100% Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố chủ trì xây dựng được ít nhất 1 mô hình/câu lạc bộ về phát huy giá trị văn hóa, con người do Hội LHPN thành lập, quản lý, vận hành, duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả…
Hiện thực hóa các mục tiêu này, các cấp hội sẽ tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ gồm: Đẩy mạnh tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động thực hiện nghị quyết. Đồng thời, phát huy vai trò của Hội LHPN, xây dựng và phát triển sức mạnh con người Quảng Ninh thông qua việc nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động của hội gắn với phát huy hệ giá trị con người Quảng Ninh; tăng cường các hoạt động giáo dục toàn diện cho phụ nữ trở thành trung tâm, chủ thể, nguồn lực cho sự phát triển và tập trung các hoạt động hỗ trợ, chăm lo cho phụ nữ phát triển toàn diện.
Cùng với đó, phát huy vai trò của Hội LHPN, tích cực tham gia xây dựng và phát triển giá trị văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh. Cụ thể là quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, chuyên nghiệp, hiệu quả; phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức hội trong bảo vệ môi trường và xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên, phụ nữ và nhân dân; xây dựng, ban hành và thực hiện bộ quy tắc ứng xử của tỉnh, của hội; đẩy mạnh xây dựng văn hóa trong tổ chức Hội LHPN và cơ quan chuyên trách Hội LHPN các cấp; tổ chức các sự kiện truyền thông thu hút sự tham gia của đông đảo phụ nữ, nhân dân, tôn vinh giá trị người phụ nữ Quảng Ninh, bản sắc văn hóa các dân tộc của tỉnh và quảng bá hình ảnh con người, giá trị văn hóa Quảng Ninh…
Tin tưởng, với sự vào cuộc tích cực, đồng bộ từ các cấp hội đến hội viên, phụ nữ trong gìn giữ, tham gia phát triển văn hóa không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của chính các tầng lớp phụ nữ nói riêng, nhân dân nói chung mà còn góp phần vun đắp, làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc Quảng Ninh và Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển.