Năm 2024, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, nhiệm vụ chính trị của tỉnh Quảng Ninh, Hội LHPN tỉnh đã có nhiều đóng góp trong công tác xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh theo đúng tinh thần Nghị quyết số 17 NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 17 NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững, các cấp hội Phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lan tỏa sâu rộng tới đông đảo cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ tham gia phát triển con người Quảng Ninh gắn với phong trào thi đua của Hội “Xây dựng hình ảnh người phụ nữ Quảng Ninh thời đại mới có trí thức, đạo đức, sức khỏe, năng động, sáng tạo, văn minh, thân thiện”.
Hội Phụ nữ các cấp đã tổ chức 847 hội nghị, truyền thông, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao… thu hút trên 82.000 lượt phụ nữ tham gia. Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”… gắn với thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, phong trào “Mỗi phụ nữ lựa chọn một hình thức văn hóa, văn nghệ, thể dục – thể thao phù hợp để rèn luyện sức khỏe” được hội viên, phụ nữ hưởng ứng và tham gia sôi nổi.
Tại huyện miền núi Đầm Hà, nhằm bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, Hội LHPN các cấp huyện Đầm Hà đã tích cực vào cuộc tham gia các hoạt động khôi phục thành lập và ra mắt các mô hình, CLB giữ gìn bản sắc nghề thêu dân tộc Dao tại thôn Tài Lý Sáy và thôn Lý Khoái, CLB Hát nhà tơ – Hát, múa cửa đình. Qua đó, vừa tạo sân chơi giao lưu cho hội viên phụ nữ, vừa gìn giữ, phát huy, giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa của địa phương…
Còn tại TP Hạ Long, nhiều mô hình, câu lạc bộ hướng tới nhiệm vụ trọng tâm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương. Trong đó Hội LHPN xã Đồng Sơn với mô hình thêu may trang phục truyền thống. Được tổ chức mỗi tháng 1 lần, CLB tập trung tại nhà văn hoá thôn với hơn 20 thành viên. Tham gia CLB, những người bà, người mẹ, người chị không chỉ được thể hiện niềm đam mê, mà họ còn truyền dạy cho lớp trẻ giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc.
Trong năm 2024, các cấp Hội LHPN tỉnh tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên và nhân dân về những giá trị của văn hóa truyền thống; phát hiện và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trong gia đình, cộng đồng, thành lập các CLB của phụ nữ về bảo tồn, phát huy và giữ gìn các di sản văn hóa truyền thống. Nâng tổng số mô hình, CLB về lĩnh vực văn hóa toàn tỉnh lên 1.313 với gần 30.000 thành viên tham gia.
Trong đó phải kể đến hiệu quả của 10 CLB về văn hóa văn nghệ, hát Soóng cọ, hát then, 4 CLB thêu may hoa văn trang phục dân tộc Dao Thanh Phán, 1 CLB may trang phục dân tộc Dao Thanh Y, 1 CLB Phụ nữ dân tộc liên thế hệ bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống, 1 CLB phụ nữ phát huy giá trị truyền thống văn hoá địa phương, 1 CLB Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao, 3 lớp học tiếng Dao Thanh Y; 1 mô hình Phụ nữ tiểu thương yêu thích, bảo tồn các làn điệu hát ru và dân ca.
Có thể thấy, trước sự phát triển của nền kinh tế hiện đại, việc giữ gìn những nét đặc trưng riêng có trong văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần là vô cùng cần thiết, góp phần tạo nên những giá trị cốt lõi, làm tiền đề cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội.