Bảo vệ môi trường hiện là vấn đề “nóng” của toàn xã hội. Ý thức được trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn môi trường sống, các cấp hội phụ nữ của Quảng Ninh đã xây dựng nhiều cách làm ý nghĩa, thiết thực, mang lại hiệu quả cao. Phát huy vai trò của phụ nữ trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, Hội LHPN tỉnh đã chủ động thể hiện vai trò nòng cốt tham mưu với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường tại địa bàn dân cư, đảm bảo các tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Chú trọng tuyên truyền, vận động
Thực hiện phong trào phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường, Hội LHPN tỉnh đã chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với MTTQ và các đoàn thể trong tuyên truyền, vận động các nội dung của công tác bảo vệ môi trường; hướng dẫn người dân ở khu dân cư thực hiện công tác này thông qua các hình thức tuyên truyền đa dạng như tổ chức hội nghị, sinh hoạt chi, tổ phụ nữ, phát tờ rơi, vận động hội viên phụ nữ cùng các hộ gia đình ký cam kết về vệ sinh môi trường, không xả rác bừa bãi ra môi trường, nơi công cộng…
Đa dạng hóa các kênh truyền thông, các cấp hội đã đăng tải trên 100 tin, bài hoạt động liên quan đến công tác vệ sinh môi trường lên website của Hội LHPN tỉnh, Trung ương Hội. Các hoạt động vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thực hiện “Ngày chủ nhật xanh” cũng được các cấp hội đăng tải, cập nhật thường xuyên lên facebook, zalo của tổ chức hội các cấp, địa phương. Bên cạnh đó, các cấp hội trực tiếp thành lập các tổ/nhóm, cử cán bộ trực tiếp đến từng thôn, bản tuyên truyền, hướng dẫn, làm mẫu giúp bà con cách sắp xếp đồ dùng sinh hoạt gia đình, dọn vệ sinh nhà ở, nếp sinh hoạt hợp vệ sinh, di chuyển chuồng trại xa nơi ở, thực hiện mô hình “3 sạch” (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ).
Các cấp hội còn chủ động, tích cực tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, tọa đàm, tập huấn, học tập kinh nghiệm giữa các địa phương, cơ sở, chi hội để chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng mô hình về bảo vệ môi trường. Qua đó, dần thay đổi trong nhận thức, người dân ăn ở hợp vệ sinh hơn, tích cực, chủ động tham gia các hoạt động về bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn 2016-2021, các cấp hội đã tổ chức trên 35.000 “Ngày chủ nhật xanh” với 987.890 lượt người tham gia, tổng vệ sinh 25.145 lượt công trình, định kỳ làm sạch 75.215km đường thôn, khu; duy trì 725 đoạn đường “xanh, sạch, đẹp” do phụ nữ làm nòng cốt; xây dựng 45ha vườn hoa, chăm sóc 120.000 tuyến đường hoa, bích họa, cây cảnh.
Từ các phong trào, hội phụ nữ một số địa phương đã sáng tạo thực hiện nhiều hoạt động hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường như: Con đường từ nhà tới trường không rác thải; CLB Phụ nữ tình nguyện bảo vệ môi trường; chi hội, tổ phụ nữ văn minh; tuyến đường kiểu mẫu; xây dựng tiêu chí chấm điểm xếp loại xây dựng nếp sống ăn ở hợp vệ sinh hộ gia đình… Các nội dung trên đã góp phần tích cực trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tại các địa phương.
Phát huy hiệu quả nhiều mô hình
Thời gian qua, Hội LHPN phường Cửa Ông (TP Cẩm Phả) đã tích cực hỗ trợ chị em trong công tác bảo vệ môi trường. Điển hình là việc thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày bằng việc kêu gọi sử dụng làn nhựa đi chợ thay vì sử dụng túi nilon.
Bà Nguyễn Thị Phương, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu 4A2 (phường Cửa Ông) chia sẻ: Tôi cùng các hội viên trong khu gương mẫu, đi đầu trong việc lan tỏa mô hình dùng làn nhựa đi chợ thay thế túi nilon sử dụng một lần. Nhờ có chị em hội viên cùng tham gia, nhiều người dân cũng đã dần thay đổi ý thức, thói quen khi đi chợ hằng ngày. Ngoài ra, chúng tôi còn tích cực triển khai hiệu quả mô hình “Chi hội phụ nữ sống xanh”, qua đó hội viên tham gia mô hình đều là những tuyên truyền viên tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng rác thải nhựa, tích cực lắp đặt thùng rác hỗ trợ người dân tại các địa bàn dân cư.
Trên địa bàn TP Cẩm Phả, tất cả hội viên các phường đều tham gia tích cực vào việc làm vệ sinh môi trường. Nhờ đó phố phường luôn phong quang, sạch đẹp, không còn rác thải, thùng xốp, cỏ cây, bụi rậm được phát quang; thôn, khu được khoác lên mình màu áo mới cùng những con đường hoa rực rỡ… Phong trào “Ngày chủ nhật xanh” được tất cả hội viên thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm.
Đến nay toàn tỉnh đã có 1.257 mô hình, CLB về bảo vệ môi trường. Điển hình như mô hình “Biến rác thành tiền”, trong 2 năm 2020-2021, đã thu gom, bán được 757.500kg rác thải nhựa, rác phế liệu, thu được 1,7 tỷ đồng. Tất cả số tiền thu được, các chi hội thực hiện vào hoạt động nhân đạo từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, dân vũ, trang sắm đồng phục cho thành viên mô hình… tạo thêm tinh thần, động lực cho cán bộ, hội viên tích cực tham gia vào các hoạt động của hội.
Mô hình phân loại rác, ủ phân hữu cơ tại hộ gia đình đã mang lại lợi ích kinh tế cho các hộ gia đình trong trồng trọt, sản xuất nông nghiệp, ý nghĩa hơn là đã góp phần không nhỏ trong việc hạn chế rác thải ra môi trường, giảm lượng rác thải sinh hoạt phải thu gom. Toàn tỉnh hiện đã thực hiện được 2.886 hố ủ phân hữu cơ bằng nhiều hình thức, tiêu biểu ở các địa phương: Đông Triều, Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà… Hiện mô hình tiếp tục được nhân rộng trong toàn tỉnh, nhất là các địa bàn vùng dân tộc thiểu số như: Bình Liêu, Ba Chẽ…
Các mô hình nhìn chung đã bước đầu cho thấy hiệu quả rõ nét và có tính khả thi cao, góp phần giảm lượng rác thải tại những điểm tập kết rác, tiết kiệm chi phí cho việc xử lý rác thải và có thêm nguồn lực hỗ trợ các hoạt động xã hội của tổ chức hội…