Nhằm hạn chế tối đa các vụ việc xảy ra, xây dựng gia đình no ấm, vì sự tiến bộ của xã hội, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc chung tay phòng chống bạo lực gia đình.
Theo báo cáo của Sở VH-TT, năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 74 vụ bạo lực gia đình. Trong đó, 61 vụ bạo lực tinh thần, 12 vụ bạo lực thân thể, 1 vụ bạo lực tình dục. Con số trên phản ánh 2 mặt của vấn đề. Đó là nhận thức, hiểu biết và trình độ của người dân ngày càng được nâng cao. Do đó, người dân đã mạnh dạn tố giác đối tượng bạo lực gia đình. Song nó cũng phần nào phản ánh thực trạng bạo lực gia đình đang diễn ra có phần phổ biến.
Nhằm phòng chống bạo lực gia đình, việc nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân là giải pháp được đặt lên hàng đầu. Do đó, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch, chương trình về công tác phòng chống bạo lực gia đình. Trên cơ sở đó, các sở, ngành và địa phương đã chủ động thực hiện các hoạt động cụ thể phù hợp với thực tiễn.
Cụ thể, Sở VH-TT đẩy mạnh tuyên truyền cơ sở xây dựng gia đình hạnh phúc, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình… Đồng thời, phối hợp thăm hỏi, tặng quà, động viên các hộ có bạo lực gia đình; ra mắt CLB phòng, chống bạo lực gia đình tại TP Hạ Long và TX Đông Triều; phát động cuộc thi viết về phòng, chống bạo lực gia đình.
Trung tâm Truyền thông tỉnh đã thực hiện hơn 400 tin, bài trên các hạ tầng về công tác gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình. Một số tác phẩm tiêu biểu như: Dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em; vì sự tiến bộ của phụ nữ; bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nâng cao nhận thức đẩy lùi tảo hôn…
Bên cạnh đó, các hoạt động tuyên truyền bằng băng rôn, khẩu hiệu, tọa đàm, phát động tháng cao điểm, xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình gắn với tuyên truyền bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, cấp phát sách… được các đơn vị tích cực triển khai.
Toàn tỉnh hiện duy trì 113 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình theo tiêu chuẩn của Bộ VH-TT&DL, 176 cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, 478 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 177 trạm y tế xã có bố trị nơi tạm lánh, tư vấn, điều trị cho nạn nhân bạo lực gia đình. Thêm vào đó, toàn tỉnh hiện duy trì 250 đường dây nóng hỗ trợ, tư vấn, xử lý các vụ bạo lực gia đình.
Đặc biệt, từ tháng 4/2020, Quỹ Dân số của Liên Hợp Quốc cùng Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc – KOICA đã hỗ trợ Trung tâm Công tác xã hội tỉnh thiết lập Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực Ngôi nhà Ánh Dương, nhằm phát hiện, ngăn chặn, trợ giúp kịp thời cho nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực, xâm hại tình dục. Nâng cao trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể liên quan trong việc hỗ trợ nạn nhân giải quyết vấn đề bạo lực; thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc đẩy lùi các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái. Bất kỳ nạn nhân bị bạo lực giới nào khi có nhu cầu đều được tiếp nhận, can thiệp, hỗ trợ kịp thời để giải quyết vấn đề bạo lực.
Ngoài ra, đường dây nóng miễn phí 18001769 của Trung tâm Công tác xã hội túc trực 24/24h để tiếp nhận thông tin, báo cáo các ca bạo lực giới để có biện pháp ứng phó kịp thời và cung cấp tư vấn qua điện thoại các vấn đề về bạo lực trên cơ sở giới.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song nhiều vụ việc bạo lực gia đình chưa được phát hiện, xử lý và can thiệp kịp thời. Bởi đặc điểm của bạo lực gia đình là xảy ra sau cánh cửa của mỗi gia đình, nên rất khó phát hiện. Hơn nữa, nạn nhân khó có khả năng phản ứng, tâm lý e ngại, nhận thức của người dân một số khu vực vẫn còn hạn chế, nạn tảo hôn còn diễn ra, sự phát triển mạnh mẽ của môi trường mạng… Thế nhưng, để không còn những tiếng kêu cứu sau cánh cửa gia đình thì cần sự chung tay vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ hơn nữa của toàn xã hội.