Xây dựng đội ngũ cán bộ nữ luôn được cấp ủy, chính quyền trong tỉnh quan tâm. Những chính sách, kế hoạch hiệu quả, kịp thời đã từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nữ, ngày càng trưởng thành, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh.
Bám sát Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư “Về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”, các đơn vị, địa phương đã quán triệt các văn bản, chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về công tác cán bộ nữ gắn với mục tiêu bình đẳng giới, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh. Từ đó góp phần tạo điều kiện để phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý các địa phương, ngành, đơn vị. Hằng năm cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành… đều tiến hành quy hoạch, rà soát quy hoạch, có kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ nữ trong diện quy hoạch, phù hợp với từng giai đoạn.
Hội phụ nữ các cấp căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương tiến hành rà soát, lựa chọn bồi dưỡng cán bộ hội có triển vọng để tạo nguồn cho những vị trí lãnh đạo cao hơn; đồng thời chủ động tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền giới thiệu nguồn cán bộ nữ để đưa vào quy hoạch sát với thực tiễn và có tính khả thi.
Bên cạnh đó, các cấp hội phụ nữ thường xuyên rà soát, thực hiện quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại cơ quan của Hội. Theo đó quan tâm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hội từ tỉnh đến cơ sở, chi hội trưởng, tổ trưởng phụ nữ đáp ứng yêu cầu nhân sự của tỉnh cũng như yêu cầu hoạt động công tác hội và phong trào phụ nữ trong tình hình mới.
Thực hiện Đề án “Bồi dưỡng cán bộ, công chức hội LHPN các cấp và chi hội trưởng phụ nữ giai đoạn 2019-2025”, Hội LHPN tỉnh đã chủ động đề xuất, phối hợp mở 46 lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác hội cho trên 7.000 lượt cán bộ hội chuyên trách các cấp, chi hội trưởng, chi hội phó, tổ trưởng phụ nữ và hội viên nòng cốt, nhằm trang bị, cập nhật các kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác hội và phong trào phụ nữ cũng như thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Tính đến tháng 3/2023, số lượng nữ CBCCVC ở các cơ quan hành chính sự nghiệp công lập thuộc tỉnh là 22.844 người, chiếm 75,12%; trình độ ngày càng được nâng lên, hiện có 1.655 người có trình độ thạc sĩ trở lên, tiến sĩ và tương đương là 86 người, 82,22% cán bộ nữ chủ chốt các sở, ban, ngành, đoàn thể có trình độ đào tạo sau đại học.
Đến quý II/2023, nữ cán bộ diện BTV Tỉnh ủy quản lý có 71 đồng chí, chiếm 17,66%. Trong 2 nhiệm kỳ qua, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, chính quyền các cấp; tỷ lệ nữ là đại biểu HĐND tỉnh ngày càng tăng, giữ cương vị là lãnh đạo chủ chốt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh. Trong đó nữ cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020 cấp cơ sở chiếm 25,2%, cấp huyện 17,85%, cấp tỉnh 18,8%; nhiệm kỳ 2020-2025, nữ cấp ủy cấp cơ sở chiếm 29,3%, cấp huyện 22%, cấp tỉnh 16,7%. Nữ đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 chiếm 33,33%, nhiệm kỳ 2021-2026 chiếm 40,91%, cao hơn so với quy định của trung ương…
Phát huy tinh thần tự nguyện, khả năng đóng góp, khát vọng cống hiến của phụ nữ thông qua các phong trào thi đua, cuộc vận động, chương trình hành động do Hội phát động, thời gian tới Hội LHPN tỉnh tiếp tục chỉ đạo hội phụ nữ các cấp chủ động lựa chọn, giới thiệu, đào tạo, bồi dưỡng nhân sự, giới thiệu vào các chức danh lãnh đạo, ứng cử ĐBQH, đại biểu HÐND các cấp; tăng cường tiếng nói, bảo vệ phụ nữ trong công tác hiệp thương, giám sát, kiểm tra bầu cử các cấp, từ đó nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vào cấp ủy, ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp.