Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017- 2027” (Đề án 938) được Hội LHPN tỉnh triển khai tới từng cơ sở hội, cách làm phù hợp với từng địa phương. Qua đó góp phần thể hiện rõ vai trò của các tầng lớp phụ nữ trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, gia đình, trẻ em trong toàn tỉnh.
Tốc độ phát triển kinh tế – xã hội nhanh chóng cũng nảy sinh các vấn đề xã hội như: Mất vệ sinh an toàn thực phẩm, bạo lực gia đình, xâm hại tình dục đối với trẻ em gái, thanh thiếu niên hư, sinh con thứ 3 trở lên… còn xảy ra ở một số địa phương. Triển khai Đề án 938 có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi vai trò vị thế của người phụ nữ được nâng cao, có điều kiện tham gia hiệu quả vào giải quyết các vấn đề xã hội nói chung, các vấn đề liên quan đến phụ nữ nói riêng.
Không chỉ dừng lại ở các hoạt động truyền thông, Hội Phụ nữ còn thể hiện vai trò của mình trong công tác can thiệp, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình và xâm hại tình dục. Việc thành lập, nhân rộng các mô hình, CLB: “Phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm”, “Phụ nữ phòng chống tệ nạn xã hội”… đã có tác dụng to lớn trong việc xây dựng đời sống văn minh tại các khu dân cư. Sau 5 năm triển khai Đề án, nhiều mô hình, phần việc đã được cụ thể hóa, đạt hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Trong 5 năm qua, đã có hơn 400.000 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ được tuyên truyền, cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật về dân sự, bình đẳng giới, hôn nhân gia đình…; được giáo dục nâng cao năng lực làm cha mẹ tích cực, tổ chức cuộc sống gia đình và chăm sóc, giáo dục con cái; được cung cấp kiến thức về an toàn thực phẩm, kỹ năng phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS, phòng chống mua bán người; di cư an toàn…
Đặc biệt, khi dịch Covid -19 bùng phát với diễn biến phức tạp, các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh đã phát huy mạnh mẽ vai trò của mình, chung tay phòng, chống dịch hiệu quả. Bên cạnh đội ngũ nữ cán bộ y tế không quản khó khăn, vất vả trên tuyến đầu chống dịch, còn có những phụ nữ tham gia các tổ truy vết “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, trực tiếp đến từng hộ dân để rà soát, thu thập thông tin dịch tễ, phát hiện gia đình khó khăn để đề xuất hỗ trợ; hàng nghìn cán bộ, hội viên phụ nữ tình nguyện tham gia các tổ phòng, chống dịch Covid-19 cộng đồng, tham gia giám sát cách ly, vận động người dân đi tiêm phòng, hỗ trợ công tác tiêm phòng. Phụ nữ các địa phương đã thể hiện ý chí và sự tận tụy, sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng để đổi lấy bình an cho xã hội.
Triển khai Đề án 938 đã góp phần phát huy tính chủ động của các tầng lớp phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát huy vai trò chủ động của phụ nữ trong ứng phó và tham gia giải quyết có hiệu quả một số vấn đề xã hội; phát huy vai trò trách nhiệm của tổ chức hội phụ nữ trong việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; hỗ trợ phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, phụ nữ công nhân; hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế, xây dựng đời sống văn hóa, gia đình hạnh phúc, vun đắp các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em, góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng và phòng chống dịch bệnh hiệu quả…