Trong tháng 11, nhiều Nghị định mới liên quan đến quy định cơ cấu, tổ chức bộ máy của các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có hiệu lực, trong đó có Thông tấn xã Việt Nam.
Từ 1/11/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường không còn 4 Tổng cục
Nghị định số 68/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường có hiệu lực từ ngày 1/11/2022.
Trong cơ cấu tổ chức mới của Bộ Tài nguyên và Môi trường không còn 4 Tổng cục gồm: Tổng cục Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Tổng cục Quản lý Đất đai, Tổng cục Biển và Hải đảo, chỉ có 1 Tổng cục là Tổng cục Khí tượng Thủy văn.
Ngoài ra, nhiều đơn vị cấp cục, vụ mới được thành lập trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cụ thể Tổng cục Môi trường được tách ra, thành lập 3 đơn vị gồm: Vụ Môi trường, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Tổng cục Đất đai được chia tách thành 3 đơn vị gồm: Cục Đất đai, Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai.
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản được chia tách thành hai đơn vị gồm: Cục Địa chất Việt Nam, Cục Khoáng sản Việt Nam.
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được thay bằng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
Với cơ cấu tổ chức mới, Bộ Tài nguyên và Môi trường có 27 đơn vị trực thuộc.
Quy định mới về Cấp chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ
Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đường bộ.
Theo đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về “Cấp chứng chỉ thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ” (sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 12d – đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 64/2016/NĐ-CP) như sau:
Trình tự, cách thức thực hiện thủ tục cấp chứng chỉ: Cơ sở đào tạo có nhu cầu nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Cục Đường bộ Việt Nam (thay vì Tổng Cục Đường bộ Việt Nam); Cục Đường bộ Việt Nam tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ:
Đối với trường hợp nộp trực tiếp: Sau khi kiểm tra thành phần hồ sơ, nếu đúng quy định thì tiếp nhận ngay hồ sơ; nếu không đúng quy định, hướng dẫn trực tiếp cho cơ sở đào tạo đã nộp hồ sơ để hoàn thiện hồ sơ;
Đối với trường hợp nộp qua hệ thống bưu chính: Nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, chậm nhất sau 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, phải có văn bản hướng dẫn cho cơ sở đào tạo đã nộp hồ sơ để hoàn thiện hồ sơ.
Nghị định 70/2022/NĐ-CP bổ sung thêm quy định: Đối với trường hợp nộp qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến: Nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, chậm nhất sau 02 ngày làm việc kể từ ngày cơ sở đào tạo kê khai và nộp hồ sơ, phải có văn bản hướng dẫn cho cơ sở đào tạo đã nộp hồ sơ để hoàn thiện hồ sơ.
Cục Đường bộ Việt Nam tiến hành thẩm định hồ sơ, nếu đủ điều kiện, cấp chứng chỉ cho từng học viên (có kết quả thi đạt yêu cầu) có tên trong Tờ trình của cơ sở đào tạo; trường hợp không cấp chứng chỉ, phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Việc trả chứng chỉ được thực hiện tại Cục Đường bộ Việt Nam hoặc thông qua dịch vụ bưu chính theo yêu cầu của cơ sở đào tạo.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ 1/11/2022.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24/10/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ 1/11/2022.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên về: mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục; quy chế thi, tuyển sinh, đào tạo và văn bằng, chứng chỉ; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu; cơ sở vật chất và thiết bị trường học; bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng giáo dục; quản lý nhà nước về tiếng Việt và tiếng các dân tộc; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
Cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo gồm 28 đơn vị, tổ chức.
Cơ cấu tổ chức mới của Thông tấn xã Việt Nam có 28 đơn vị
Nghị định 87/2022/NĐ-CP ngày 26/10/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thông tấn xã Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/11/2022.
Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, là cơ quan thông tấn quốc gia, cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, thực hiện chức năng đăng, phát thông tin, văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước; cung cấp thông tin phục vụ yêu cầu lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; thu thập, phổ biến thông tin phục vụ các cơ quan thông tin đại chúng, công chúng và các đối tượng khác trong và ngoài nước.
Thông tấn xã Việt Nam thực hiện 19 nhiệm vụ và quyền hạn; cơ cấu tổ chức gồm 28 đơn vị.
Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Nghị định 89/2022/NĐ-CP ngày 28/10/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hiệu lực từ ngày 1/11/2022.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch, kế hoạch, đầu tư phát triển và thống kê, bao gồm:
Tham mưu tổng hợp về chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; quy hoạch; kế hoạch đầu tư công của quốc gia; cơ chế, chính sách quản lý kinh tế; đầu tư trong nước, đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; khu kinh tế; nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức, viện trợ của Việt Nam cho các nước; đấu thầu; thống kê; phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật.
Cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gồm 28 đơn vị.
Ba nhóm lao động được hưởng lương bằng 1,8 lần mức lương cán bộ, công chức, viên chức
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định số 19/2022/QĐ-TTg ngày 22/9/2022 quy định về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2022-2024.
Quyết định quy định mức chi tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong cơ quan bảo hiểm xã hội bằng 1,8 lần mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định được áp dụng đối với các đối tượng sau đây trong chỉ tiêu biên chế hoặc vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt: Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân; Người lao động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp của ngành lao động – thương binh và xã hội.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/11/2022 và được áp dụng cho các năm tài chính từ năm 2022 đến hết năm 2024.
Cán bộ thuộc 11 lĩnh vực sau khi thôi giữ chức vụ từ 1 – 2 năm mới được thành lập, quản lý doanh nghiệp
Theo Thông tư số 60/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 17/11, danh mục 11 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ, đó là: Quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán; Quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán; Quản lý nhà nước về bảo hiểm; Quản lý nhà nước về hải quan; Quản lý nhà nước về giá;
Quản lý nhà nước về thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước; Quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp và quản lý vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp; Quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia; Quản lý vay nợ, trả nợ trong nước, ngoài nước của Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia và nguồn viện trợ quốc tế cho Việt Nam và nguồn cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài; Quản lý nhà nước về ngân sách nhà nước;Quản lý nhà nước về tài sản công.
Xác định giá truyền tải điện theo quy định mới từ ngày 22/11
Có hiệu lực từ ngày 22/11/2022, Thông tư 14/2022/TT-BCT của Bộ Tài chính, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2017/TT-BCT ngày 10/2/2017 quy định phương pháp, trình tự lập, thẩm định và phê duyệt giá truyền tải điện.
Thông tư sửa đổi khoản 2 Điều 3 về phương pháp xác định giá truyền tải điện.
Giá truyền tải điện được xác định hàng năm trên cơ sở các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ cho hoạt động truyền tải điện của Đơn vị truyền tải điện với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu được xác định theo phương án giá bán lẻ điện đang áp dụng tại thời điểm tính giá truyền tải điện hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền.