Nhịn ăn gián đoạn là một trong những phương pháp giảm cân được nhiều người lựa chọn hiện nay. Tuy nhiên, việc ăn không đúng bữa, nhịn ăn có thể làm tăng nguy cơ mắc sỏi túi mật.
Nhịn ăn gián đoạn là gì?
Nhịn ăn gián đoạn là một trong những biện pháp giảm cân bằng cách nhịn ăn phổ biến nhất hiện nay. Theo phương pháp này, cơ thể chỉ được ăn trong một thời gian cụ thể. Sau khoảng thời gian này, cơ thể không được nạp bất kỳ đồ ăn nào ngoài uống nước, cà phê không đường hoặc trà. Việc nhịn ăn giúp cơ thể tăng cường đốt cháy các chất béo.
Thông qua việc giới hạn thời gian nạp dinh dưỡng cho cơ thể, lượng calo nạp vào sẽ giảm đi một cách tự nhiên. Bên cạnh đó cũng giúp thúc đẩy quá trình đốt cháy mỡ thừa.
Hiện nay có nhiều cách nhịn ăn gián đoạn khác nhau như:
– Nhịn ăn cách ngày: Áp dụng chế độ ăn và nhịn cách ngày.
– Nhịn ăn nhiều ngày. Thông thường là ăn 5 ngày và nhịn ăn 2 ngày trong tuần.
– Nhịn ăn giới hạn thời gian: 16/8; 18/6; 20/4…
Trong đó phổ biến nhất là nhịn giới hạn theo thời gian 16/8. Tức là được phép ăn trong 8 giờ và nhịn trong 16 tiếng còn lại.
Nhịn ăn gián đoạn là một trong những phương pháp giảm cân bằng cách nhịn ăn được nhiều người ưa chuộng.
Nhịn ăn gián đoạn có tốt cho sức khỏe không?
Nhịn ăn gián đoạn có thể giúp cân nặng giảm xuống nhưng các hoạt động thể chất của cơ thể sẽ bị hạn chế. Nhịn ăn trong thời gian dài sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, giảm sức bền, giảm trí nhớ thậm chí ảnh hưởng đến giấc ngủ và tâm trạng.
Hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về tác dụng của nhịn ăn gián đoạn. Có nhiều người hợp với việc nhịn ăn gián đoạn. Bên cạnh đó cũng có một số người cần lưu ý khi ăn gián đoạn như người dưới 18 tuổi, người có các bệnh lý nền huyết áp, tiểu đường, tim mạch… Hơn nữa cẩn trọng với phụ nữ có thai, người đang cho con bú, người có vấn đề về bệnh lý tiêu hóa…
Tuy nhiên, để việc nhịn ăn cũng như giảm cân hiệu quả cần có sự giám sát và tư vấn của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng. Các bác sĩ, chuyên gia dựa vào từng trường hợp cụ thể từ đó đưa ra các thực đơn phù hợp giúp khi ăn gián đoạn giúp cơ thể vẫn bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và hạn chế lượng calo nạp vào.
Vì sao nhịn ăn gián đoạn tăng nguy cơ mắc sỏi túi mật
Theo Ths.BS Lê Văn Duy (Khoa Phẫu thuật tiêu hóa – Gan Mật Tụy – Bệnh viện Bạch Mai), việc nhịn ăn hay ăn gián đoạn có thể làm tăng nguy cơ mắc sỏi túi mật.
BS Duy giải đáp, túi mật là nơi chứa mật. Mật được gan tiết ra, đưa vào trong túi mật, túi mật sẽ cô đặc dịch mật. Khi cơ thể tiêu thụ thức ăn dịch mật sẽ đẩy dịch mật tiêu hóa thức ăn. Khi cơ thể không tiêu thụ ăn, dịch mật sẽ không được đẩy xuống mà tiếp tục cô đặc. Lâu dần tạo nên các buồng sỏi, ngày qua ngày sẽ tăng nguy cơ hình thành sỏi mật. Bên cạnh đó, có thể thấy với các bệnh nhân nằm hồi sức tích cực (ICU) khi không được ăn uống hay nhịn ăn, lúc siêu âm ổ bụng thường có buồng túi mật. Do đó, với những người ăn không đúng bữa, nhịn ăn sẽ có nguy cơ mắc sỏi túi mật cao hơn. Thực tế, việc nhịn ăn gián đoạn không mang tính chất khoa học. Và hiện tại chưa có khuyến cáo nào chứng minh được hiệu quả của việc ăn gián đoạn. Do vậy, cần lựa chọn cẩn thận cách nhịn ăn để giảm cân và cần có sự tư vấn, giám sát của nhân viên y tế.
Bên cạnh những người nhịn ăn, bỏ bữa còn có một số đối tượng có nguy cơ cao mắc sỏi túi mật:
– Là phụ nữ, sinh con nhiều lần hoặc trên 40 tuổi; đang mang thai hoặc sử dụng thuốc tránh thai
– Người béo phì hoặc có chế độ ăn nhiều cholesterol
– Trong gia đình có người mắc sỏi túi mật
– Người có bệnh lý Crohn, bệnh lý tan máu bẩm sinh.