“Vậy là sau rất nhiều năm, con lại có mẹ – những người mẹ đặc biệt, không sinh ra con, nhưng đã dành cho con rất nhiều tình yêu thương, không sinh ra con, nhưng lại đồng hành cùng con cho đến khi trưởng thành”… đó là những dòng thư của Ngọc Anh, một cô bé không may mồ côi gửi đến các mẹ đỡ đầu của mình, là những cán bộ Hội LHPN TP Uông Bí, Hội LHPN phường Vàng Danh, Chi hội Phụ nữ Chợ trung tâm Uông Bí và một số chị em hảo tâm khác.
Ngọc Anh có “mẹ đỡ đầu” từ khi học cấp 3. Năm 2024, Ngọc Anh đã trở thành sinh viên Trường Đại học Hạ Long. Từng ấy thời gian, Ngọc Anh được nhận sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần từ các mẹ. Mỗi tháng Ngọc Anh được nhận 1 triệu đồng để đóng tiền học. Quan trọng hơn, quá trình phát triển tâm sinh lý của một cô bé trong tuổi trở thành thiếu nữ như Ngọc Anh luôn có các “mẹ đỡ đầu” đồng hành. Nhiều khi, các mẹ là những người đầu tiên Ngọc Anh chia sẻ những tâm sự thầm kín đầu đời, hoặc những kế hoạch lớn quan trọng của bản thân.
“Mẹ đỡ đầu” là chương trình do Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam phát động từ tháng 10/2021 với mong muốn san sẻ tình cảm ấm áp, mang yêu thương, niềm vui đến với trẻ em mồ côi. Chương trình đã được Hội LHPN TP Uông Bí triển khai hiệu quả. Cùng với Ngọc Anh, hết năm 2024, Hội LHPN TP Uông Bí đã nhận đỡ đầu 57 trẻ. Mỗi trẻ có thể có 1 mẹ đỡ đầu hoặc một tổ chức đỡ đầu. Các trẻ được nhận đỡ đầu trong giai đoạn 2022-2026 và có thể dài hơn, đến khi trưởng thành, tùy theo điều kiện, khả năng của tổ chức, cá nhân, hoặc tùy theo hoàn cảnh của từng em. Các mẹ đỡ đầu hỗ trợ bằng tiền và hiện vật (quà, sách vở, quần áo, đồ dùng học tập), bên cạnh đó thường xuyên quan tâm thăm hỏi, động viên, hỗ trợ trẻ vào các dịp lễ, tết, năm học mới. Năm 2024, số tiền hỗ trợ đỡ đầu 58 trẻ của phụ nữ TP Uông Bí là hơn 412 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Thanh (người nhà một trẻ được đỡ đầu) cho biết: Chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã chạm tới trái tim của rất nhiều người, bởi đã cho các con không chỉ có thêm người mẹ, người cha, mà còn có thêm một mái ấm gia đình, với tình cảm quan tâm, chăm lo cho các cháu cả về vật chất và tinh thần. Hành động của các mẹ giúp trẻ có thêm điều kiện trang trải cuộc sống và học tập, tự tin vượt qua khó khăn, yên tâm học tập, vững bước trên con đường tương lai tươi sáng, thực hiện ước mơ của mình là làm người có ích cho xã hội.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo (phường Quang Trung) cho biết: Tôi đã theo dõi chương trình “Mẹ đỡ đầu” và thấy các mẹ khi tham gia phải có sự tận tâm, trách nhiệm, thường xuyên và thực hiện trong một thời gian dài. Điều này không dễ thực hiện. Vậy mà phụ nữ TP Uông Bí bằng sự đồng cảm của người mẹ, người phụ nữ đã thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu” bằng tất cả tình yêu thương và trách nhiệm…
Hội LHPN TP Uông Bí trong giải pháp thực hiện của mình đã vận động, kết nối phụ nữ tại địa bàn trẻ mồ côi sinh sống nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại gia đình, quan tâm chăm sóc trẻ hằng ngày với tinh thần tự nguyện; rà soát, xác minh hoàn cảnh thực tế, lập danh sách, vận động, kết nối, điều phối nguồn lực hỗ trợ trẻ mồ côi trên tinh thần đảm bảo tất cả trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn đều được đỡ đầu, chăm sóc, hỗ trợ, giúp đỡ, tránh trùng lặp, bỏ sót.
Bà Lê Thị Như Quỳnh, Chủ tịch Hội LHPN TP Uông Bí, cho biết: Chúng tôi xác định thông tin, tuyên truyền là yếu tố quyết định tính lan toả và hiệu quả của chương trình. Do đó chúng tôi đã tổ chức truyền thông, giới thiệu cổ động chương trình “Mẹ đỡ đầu”, các câu chuyện về mẹ đỡ đầu và trẻ, kết quả thực hiện chương trình qua nhiều kênh truyền thông để đến được với toàn thể cán bộ hội viên, phụ nữ và nhân dân, các cấp, ngành, tổ chức, toàn xã hội. Tổng số đã có gần 240 lượt tin, bài, hình ảnh, chương trình phát thanh, truyền hình đăng tải trên cổng thông tin, trang facebook, nhóm zalo trong năm 2024. Cùng với đó, chúng tôi triển khai cuộc thi viết câu chuyện truyền cảm hứng trong chương trình “Mẹ đỡ đầu” thu hút hơn 120 bài dự thi. Cuộc thi này mang đến nhiều cảm xúc, rất nhiều anh em nam giới, cả những người lớn tuổi thông qua hoạt động này đã biết đến chương trình và sẵn sàng tham gia. Như vậy chương trình “Mẹ đỡ đầu” còn có cả những “Bố đỡ đầu”, nhân lên hiệu quả của chương trình. Đó quả là những điều rất đáng quý.