Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh dành nhiều sự quan tâm trong thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và vì sự phát triển của phụ nữ. Với những chính sách, chương trình hỗ trợ cùng sự nỗ lực vươn lên, phụ nữ Quảng Ninh ngày càng phát huy năng lực, trí tuệ, khẳng định vai trò trong gia đình và xã hội, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Cụ thể hoá các chủ trương, chính sách
Nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy năng lực, trí tuệ trên mọi lĩnh vực, thời gian qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên đối với nữ giới và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”; ban hành các chương trình, kế hoạch hành động bình đẳng giới theo từng giai đoạn. Tỉnh cũng tập trung chỉ đạo hệ thống chính trị tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các chính sách, pháp luật liên quan tới bình đẳng và phát triển của phụ nữ. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, tỉnh về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; công tác đào tạo, quy hoạch, sử dụng, luân chuyển và bổ nhiệm cán bộ nữ; cơ hội của nữ giới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng lao động, tạo việc làm; thực hiện chế độ, chính sách đối với lao động nữ trong các doanh nghiệp…
Trao đổi chuyên đề “Văn hoá ứng xử trong gia đình và cộng đồng” do Hội LHPN tỉnh tổ chức, tháng 3-2017.
Bám sát những định hướng của Trung ương, tỉnh, hội phụ nữ, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh đã chủ động tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh cụ thể hoá nhiều chủ trương, chính sách về bình đẳng giới. Hội LHPN tỉnh chủ động phối hợp tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Bình đẳng giới ở các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, đoàn thể trên địa bàn cũng phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện các hoạt động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; đảm bảo quyền bình đẳng giới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, bảo vệ sức khoẻ, đời sống gia đình… Cùng với đó, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp cũng xây dựng, triển khai chương trình hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ với các mục tiêu về thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trên các lĩnh vực; tổ chức các phong trào thi đua, động viên phụ nữ khắc phục khó khăn, chủ động vươn lên khẳng định mình; tham mưu đề xuất với cấp uỷ, chính quyền tạo điều kiện cho cán bộ nữ học tập nâng cao trình độ và công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đề bạt cán bộ nữ, cũng như có những cơ chế, chính sách hỗ trợ phụ nữ trong đào tạo, bồi dưỡng, tiếp cận thông tin, đáp ứng yêu cầu xã hội…
Sự quan tâm của tỉnh trong công tác cán bộ nữ được thể hiện rõ nét thông qua các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ đảng, đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu HĐND các cấp. Đặc biệt, để kiện toàn công tác nhân sự cho đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2015-2020 có cơ cấu tỷ lệ cán bộ nữ cao, Tỉnh uỷ đã hướng dẫn, định hướng cơ cấu ban thường vụ cấp uỷ nhất thiết phải có nữ; tỷ lệ nữ trong quy hoạch cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ và tập thể lãnh đạo chính quyền các cấp không dưới 15%. Kết quả, trong 68 đảng bộ trực thuộc Trung ương thì Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh là một trong 21 Đảng bộ có tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ nhiệm kỳ 2015-2020 đạt trên 15%. Tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ nhiệm kỳ 2015- 2020 và nữ tham gia đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021 các cấp tăng cao so với nhiệm kỳ trước. Cụ thể, nữ tham gia cấp uỷ: Cấp tỉnh là 10/56; cấp huyện là 113/556; cấp xã 387/1.881. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021 đạt trên 30%. Tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh ngày càng cao, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển của tỉnh.
Phát huy vai trò của các cấp hội phụ nữ
Với vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ tỉnh đã phát động nhiều phong trào thi đua, vận động phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc. Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các đề án lớn của Chính phủ: “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”, “Giáo dục phẩm chất đạo đức cho phụ nữ”, “Hỗ trợ đào tạo nghề cho phụ nữ” và triển khai hiệu quả nhiều chương trình hỗ trợ, phong trào vì sự tiến bộ của phụ nữ… Đến nay, hội phụ nữ toàn tỉnh duy trì hiệu quả trên 500 mô hình câu lạc bộ với nhiều tên gọi khác nhau như: Xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”, phòng chống bạo lực gia đình, phụ nữ với pháp luật… Hoạt động của các mô hình đã giúp chị em nâng cao kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống, cách ứng xử trong gia đình và cộng đồng, từ đó giảm thiểu tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình…
Song song với đó, các cấp hội phụ nữ cũng triển khai nhiều hoạt động, chương trình, phong trào hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, phụ nữ làm kinh tế giỏi, giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ thông qua việc hỗ trợ giống, vốn, ngày công lao động, tín chấp với ngân hàng tạo điều kiện cho chị em vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế… Đặc biệt, với trên 5 tỷ đồng vận động trong hội viên, phụ nữ và cộng đồng, đến nay, hội phụ nữ toàn tỉnh đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa gần 300 nhà “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; phối hợp với Đài PT-TH tỉnh và các đơn vị thực hiện có hiệu quả chương trình “101 cách thoát nghèo”… Qua đó, đã nhân lên tinh thần “tương thân, tương ái” trong cộng đồng; góp phần tích cực cùng với tỉnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tăng tỷ lệ gia đình văn hoá tại các khu dân cư.
Theo Nguyễn Huế, Báo Quảng Ninh