Đẩy mạnh phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, các cơ sở hội phụ nữ trên địa bàn huyện Vân Đồn đã và đang có nhiều hoạt động thiết thực giúp hội viên xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, tăng thu nhập, ổn định đời sống.
Hội LHPN huyện Vân Đồn hiện có 12 cơ sở hội. Hằng năm, Hội xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉ đạo các cơ sở hội thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động thi đua lao động sản xuất, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo hiệu quả. Từ đó, các cơ sở hội đã nắm bắt tình hình, lựa chọn những mô hình cụ thể, hướng dẫn hội viên cùng nhau tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập. Các cấp hội đã tập trung công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ duy trì những mô hình kinh tế đã có, phát triển kinh tế gắn với thương hiệu sản phẩm theo chỉ đạo, lựa chọn của địa phương.
Hiện hội viên trên địa bàn huyện đang trực tiếp tham gia nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như: Trồng rừng, trồng cam, trồng rau an toàn, nuôi gia cầm, chế biến hải sản… Hầu hết các mô hình đều theo quy mô hộ gia đình, gắn với đặc trưng lợi thế kinh tế của địa phương như chế biến sá sùng, cá khô của phụ nữ các xã Quan Lạn, Minh Châu; mô hình nuôi nhuyễn thể của phụ nữ các xã Bản Sen, Thắng Lợi, Ngọc Vừng; mô hình chế biến tôm khô, trồng rau an toàn của phụ nữ xã Hạ Long…
Giám đốc Công ty TNHH Hải sản Vân Đồn Đỗ Thị Thúy là một trong những hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi của huyện. Với máy móc được đầu tư đồng bộ, hiện đại, hiện công ty của chị Thúy đang chế biến thủy sản thô trở thành những sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng của Vân Đồn như: Ruốc hàu, ruốc bề bề, ruốc tôm… Chị Thúy cho biết: Tôi nhận thấy được thủy, hải sản của Vân Đồn hiện có tiềm năng rất lớn, nhưng những mặt hàng hải sản tươi sống lại khó vận chuyển đi xa, nên muốn chế biến những sản phẩm thô để thành những sản phẩm khô, dễ dàng vận chuyển.
Là đơn vị chế biến thủy, hải sản, công ty của chị Thúy luôn đặt tiêu chí chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Công ty chú trọng tất cả các khâu, tập trung vào khâu nhập nguyên liệu và chế biến, bảo quản sản phẩm. Nguyên liệu được công ty trực tiếp thu mua, lựa chọn kỹ lưỡng những loại hải sản tươi ngon và an toàn. Sau đó, hải sản được đưa về làm sạch và chế biến, với tiêu chí: Không sử dụng chất bảo quản, không sản phẩm trôi nổi, không sản phẩm kém chất lượng, không ngừng nâng cao phát triển sản phẩm mới và không chạy theo số lượng để bảo đảm chất lượng.
Với nỗ lực không ngừng, công ty đã mang lại hiệu quả kinh doanh cao với doanh thu khoảng 500-700 triệu đồng/tháng, tạo việc làm cho 7 lao động chủ yếu là phụ nữ với thu nhập 7-8 triệu đồng/tháng.
Đặc biệt công ty đã có 2 sản phẩm ruốc tôm, ruốc hàu đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Các sản phẩm của công ty đều được trưng bày tại những địa điểm du lịch trên địa bàn huyện, được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết đến.
Thời gian qua, nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, các cấp hội đã thực hiện nhiều hoạt động hiệu quả, trong đó chủ yếu là tập trung khai thác các hoạt động uỷ thác vốn vay, tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ có nhu cầu vay vốn để xây dựng các mô hình kinh tế, giải quyết việc làm. Trong 9 tháng, đã có 201 hộ gia đình hội viên được vay vốn, toàn hội hiện có 40 tổ vay vốn với tổng số vốn gần 110 triệu đồng.
Tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua trong sản xuất, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế; Hội sẽ thường xuyên quan tâm, giúp đỡ các hội viên bằng nhiều hình thức, trọng tâm là mở các lớp tập huấn, dạy nghề, hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi. Đồng thời, tiếp tục cử cán bộ đến các xã, thị trấn để tuyên truyền, phổ biến cho chị em thay đổi nếp nghĩ, cách làm, áp dụng các kỹ thuật mới trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; thực hiện các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.