Hưởng ứng Ngày Dân số thế giới năm 2023 với chủ đề “Phát huy sức mạnh của bình đẳng giới: Nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái để giải phóng tiềm năng vô hạn của thế giới chúng ta”, tại Quảng Ninh nhiều hoạt động được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân số với sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh, của đất nước.
Hội KHHGĐ tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn phụ nữ xã Thanh Lâm (huyện Ba Chẽ) cách chăm sóc SKSS.
Công tác DS-KHHGĐ của tỉnh đang chuyển trọng tâm sang dân số và phát triển, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội. Quảng ninh đã khống chế được tốc độ gia tăng dân số, giữ được ổn định quy mô dân số, duy trì tỷ suất sinh về mức cân bằng; sức khỏe bà mẹ và trẻ em ngày càng được chăm lo, cải thiện…
Ngày Dân số thế giới 11/7 năm nay, Chi cục DS-KHHGĐ (Sở Y tế) đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức đa dạng các hoạt động truyền thông; tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông xây dựng các chuyên trang, đăng tải các thông tin về nội dung liên quan đến DS-KHHGĐ, những nội dung, thông điệp về Ngày Dân số thế giới 11/7, những mục tiêu trọng tâm của công tác dân số năm 2023.
Năm 2023 ngành Dân số tỉnh đặt mục tiêu chủ động ổn định mức sinh, tiếp tục giảm sinh ở những nơi có mức sinh cao, duy trì ổn định ở những nơi đạt mức sinh thay thế; nâng cao chất lượng dân số nhằm đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh; quản lý, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi…
Bác sĩ CDC Quảng Ninh tư vấn khám sàng lọc ưng thư vú cho phụ nữ tại TX Đông Triều.
Cụ thể, ngành nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu DS-KHHGĐ: Toàn tỉnh có trên 19.000 trẻ em được sinh ra, tỷ số giới tính khi sinh 111,02 bé trai/100 bé gái, tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt 98,4%, tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 45%, tỷ lệ trẻ em sinh ra được sàng lọc sơ sinh đạt 55%…
Để hoàn thành mục tiêu, ngành Dân số tỉnh tiếp tục triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng dân số, như sàng lọc trước sinh và sơ sinh, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh…; phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp làm tốt công tác dân số; thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện công tác dân số tới lãnh đạo cấp ủy, chính quyền; tích cực tham mưu ban hành những văn bản chỉ đạo, thực hiện kiểm tra, đánh giá đối với các hoạt động về dân số.
Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động về sàng lọc trước sinh và sơ sinh; chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân; đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ cho phụ nữ, trẻ em; tuyên truyền về tác hại của phá thai ở tuổi vị thành niên, thanh niên… Tiêu biểu, Chi cục DS-KHHGĐ đã phối hợp với ngành Y tế TP Uông Bí triển khai nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em gái, phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, tư vấn và kiểm tra sức khỏe cho các cặp đôi chuẩn bị kết hôn tại các xã, phường, khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc cho các bà mẹ mang thai…
CLB “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” phường Vàng Danh (TP Uông Bí) với 30 thành viên, tổ chức sinh hoạt định kỳ lần/quý theo các chủ đề khác nhau. Qua hoạt động, các thành viên đã hiểu rõ những hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính khi sinh. Chị Phạm Thị Thu Hà, thành viên CLB, cho biết: “Tham gia CLB, tôi hiểu rõ hơn về mất cân bằng giới tính khi sinh, sinh con tự nhiên, không lựa chọn giới tính khi sinh và đảm bảo việc thực hiện KHHGĐ để không mang thai ngoài ý muốn”.
Trạm Y tế phường Cẩm Thành (TP Cẩm Phả) lồng ghép tuyên truyền sàng lọc sơ sinh cho bà mẹ, trẻ em trong buổi tiêm chủng mở rộng.
Chị Tạ Thị Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ, cho biết: Gắn với chủ đề của Ngày Dân số thế giới 11/7, Chi cục tăng cường tuyên truyền về Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới; đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ cho phụ nữ, trẻ em gái; tuyên truyền về tác hại của phá thai, về giảm thiểu tình trạng mang thai ngoài ý muốn, phá thai ở tuổi vị thành niên, thanh niên. Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính thai nhi, nêu cao vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Song song với đó là truyền thông tạo dư luận xã hội phê phán các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi; chú trọng bình đẳng giới để trẻ em gái được an toàn và phát triển đầy đủ cả về thể chất và trí tuệ.