Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ninh

Quang Ninh Wonmen's union

Phụ nữ Quảng Ninh: "Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang"

Hiệu quả chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”

“Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” là chương trình rất thiết thực không chỉ hỗ trợ phụ nữ yếu thế vươn lên khẳng định bản thân, nâng cao chất lượng cuộc sống, mà còn có ý nghĩa quan trọng góp phần xây dựng địa bàn an ninh biên giới ổn định, vững mạnh. Đã triển khai tại Quảng Ninh được 6 năm với 2 giai đoạn, chương trình đang ngày càng khẳng định những hiệu quả đáng ghi nhận.

Hội LHPN TP Cẩm Phả trao hỗ trợ 25 triệu đồng cho gia đình chị Dương Nhì Múi (thôn Sông Moóc, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu) sửa chữa, nâng cấp nhà ở (tháng 5/2024).

Là tỉnh duy nhất thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018-2020 mà không có sự trợ giúp của tỉnh bạn, Hội LHPN Quảng Ninh thống nhất phối hợp Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tập trung huy động nguồn lực hỗ trợ 2 xã biên giới Vô Ngại và Lục Hồn của huyện Bình Liêu thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn; hoàn thành các chỉ tiêu về đích chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Trong quá trình thực hiện chương trình, cán bộ hội cơ sở luôn tới từng gia đình hội viên phụ nữ tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh; động viên các hộ nghèo, hộ cận nghèo tích cực, tự giác, chủ động tham gia thực hiện các mô hình phát triển kinh tế; vận động các gia đình tham gia vệ sinh môi trường định kỳ do hội phụ nữ phát động…

Đối với các địa phương có biên giới nhưng không có xã trong diện hỗ trợ trực tiếp từ chương trình như Hải Hà, Móng Cái, các cơ sở hội đã chủ động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về Luật Biên giới quốc gia, về kiến thức xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; hỗ trợ thực hiện nếp sống ăn ở vệ sinh (sự cần thiết xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, nhà tắm, di chuyển chuồng trại), sắp xếp đồ đạc sinh hoạt trong gia đình ngăn nắp gọn gàng đảm bảo vệ sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản và giáo dục con cái.

Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh trao hỗ trợ xây chuồng trại chăn nuôi ra xa khu nhà ở cho các hộ dân ở bản Cấu Phùng (xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà). Ảnh: Nguyễn Chiến

Triển khai chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” trong giai đoàn tiếp theo, từ năm 2021 cho đến nay, chương trình được triển khai tại 4 xã thuộc 2 huyện Bình Liêu và Hải Hà. Hội LHPN các cấp đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh giải ngân 100 triệu đồng đối với 10 mô hình kinh tế, vận động hỗ trợ 9 mô hình nuôi gà, lợn, ngan cho 9 hộ gia đình tại huyện Bình Liêu. Bên cạnh đó, tổ chức 9 lớp tập huấn, hội nghị tuyên truyền về chủ trương, chính sách bảo vệ vùng biên giới, gắn với thực hiện xây dựng gia đình “5 không, 5 có”, “3 sạch” tại các xã giáp biên thuộc 2 huyện Hải Hà, Bình Liêu và TP Móng Cái gắn với xây dựng, triển khai mô hình “Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh biên giới”, “Phụ nữ tham gia bảo vệ biên giới”. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hội LHPN tỉnh đã tích cực triển khai chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại 4 xã trên địa bàn huyện Bình Liêu với tổng số tiền 72,4 triệu đồng và các hiện vật, ngày công.

Trong tháng 5 vừa qua, Hội LHPN TP Cẩm Phả và các cơ sở hội, đơn vị kết nghĩa trên địa bàn thành phố đã phối hợp tổ chức chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại xã Đồng Văn (huyện Bình Liêu). Trong đó, Hội LHPN TP Cẩm Phả đã trao tặng 800 áo dài cho hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Bình Liêu; trao hỗ trợ 25 triệu đồng cho gia đình chị Dương Nhì Múi (thôn Sông Moóc, xã Đồng Văn) để sửa chữa, nâng cấp nhà ở.

Có thể thấy, với công tác chỉ đạo có trọng tâm trọng điểm, quan tâm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, bám sát mục tiêu thực hiện những biện pháp linh hoạt, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã đạt được nhiều kết quả ngoài mong đợi. Điều giá trị nhất mà chương trình mang lại là đã góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc chủ động thực hiện phát triển kinh tế gia đình để thoát nghèo, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Cùng với đó, nhiều người dân đã xóa bỏ nếp sống sinh hoạt lạc hậu, mất vệ sinh và tiếp cận với nếp sống văn minh hơn, sạch sẽ, khoa học hơn.

Theo Hoài Minh – TTTT tỉnh
Facebook
Twitter
Telegram
Email

tin tức - sự kiện

Thống kê truy cập

Hôm nay: 6
Hôm qua: 9
Trong tuần: 128

Trong 30 ngày qua: 651
Tổng truy cập: 956782

Đăng ký nhận tin.