Nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách cụ thể tạo điều kiện để phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số (DTTS) phát huy khả năng, sự đóng góp của mình ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Học sinh Trường PTDT bán trú THCS Đồng Văn (huyện Bình Liêu) trong giờ tự học. Ảnh: Nguyên Ngọc
Phát huy đậm nét vai trò là tổ chức về giới, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã tập trung nguồn lực hỗ trợ phụ nữ, trẻ em khu vực đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo phát triển kinh tế, giảm nghèo. Hội LHPN các địa phương đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện rà soát các hộ nghèo, hộ cận nghèo để lên phương án giúp đỡ các hộ thoát nghèo. Mục tiêu năm 2023, các cấp hội phấn đấu hỗ trợ 400 hộ thoát nghèo, trong đó có 34 hộ nghèo, 259 hộ cận nghèo và 107 hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Để thực hiện mục tiêu này, các cấp Hội duy trì hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế thông qua các CLB phụ nữ làm kinh tế giỏi; vận động, hướng dẫn hộ gia đình hội viên đăng ký thực hiện mô hình kinh tế gắn với đặc trưng lợi thế của địa phương. Các địa phương tập trung hỗ trợ hội viên phụ nữ và gia đình hội viên thực hiện các mô hình kinh tế như: Chăn nuôi gà, trồng nấm, nuôi vịt đẻ trứng, trồng khoai tây hữu cơ… gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong xây dựng NTM và thực hiện kết nối đầu ra cho các mô hình. Hiện toàn tỉnh đã có 187 mô hình thuộc lĩnh vực phát triển kinh tế tại các khu vực tập trung đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Nắm bắt nhu cầu học nghề của hội viên phụ nữ, trong 6 tháng vừa qua, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 4 lớp tập huấn kiến thức, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm cho 320 hội viên gắn với việc thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU về phát triển kinh tế – xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; 3 lớp tập huấn quản lý tài chính cá nhân cho 240 hội viên phụ nữ, chủ hộ kinh doanh thuộc khu vực nông thôn, miền núi.
Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên triển khai tiêm vắc xin bạch hầu, uốn ván cho trẻ em trên địa bàn huyện.
Bà Triệu Thị Hương, người dân tộc Dao, thôn Khe Mằn (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) nhiều năm trước kinh tế gia đình rất khó khăn, chủ yếu là ai thuê gì làm nấy, thu nhập rất bấp bênh. Với quyết tâm thoát nghèo, năm 2012, gia đình bà Hương bắt tay vào trồng cây keo, mỗi năm thu được khoảng 100 triệu đồng. Kể từ năm 2018, được sự tuyên truyền của chính quyền, địa phương cũng như các cấp Hội phụ nữ, bà đã mạnh dạn chuyển đổi 1,5 ha trồng keo của gia đình sang trồng các loại cây gỗ lớn lâu năm có hiệu quả kinh tế cao như: quế, trà hoa vàng, giổi…
Bà Hương chia sẻ: “Nhờ sự tuyên truyền tích cực của địa phương và cán bộ hội phụ nữ, tôi được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng CSXH với số tiền 60 triệu đồng. Gia đình tôi đã đầu tư mua cây giống mới để tiếp tục phát triển kinh tế. Đến nay, đời sống gia đình ngày càng ổn định, thoát nghèo và xây dựng được căn nhà mới kiên cố”.
Cùng với đó, các cấp hội chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em ở từng địa bàn, nhằm xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em; xây dựng gia đình hạnh phúc, chăm sóc sức khỏe. Điển hình là Dự án “Tăng cường quyền năng kinh tế và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ vùng DTTS” ở huyện Bình Liêu do Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc (Trung Quốc) tại Việt Nam tài trợ, với các hoạt động: Hỗ trợ sinh kế; duy trì CLB gia đình hạnh phúc; tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản, tuyên truyền thực hiện KHHGĐ.
Tính đến nay, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách riêng, đặc thù thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, tăng cường bảo vệ, chăm sóc phụ nữ, trẻ em ở vùng DTTS. Công tác truyền thông nâng cao nhận thức được tăng cường, mở rộng địa bàn; tăng số lượng người tham gia và được đổi mới hiệu quả để phù hợp với từng khu vực, từng địa phương. Các ngành chức năng, địa phương cũng tích cực tuyên truyền thực hiện pháp luật về bình đẳng giới lồng ghép với thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em, Luật Phòng chống mua bán người, huy động sự tham gia tích cực của nam giới và giới trẻ.
Hội KHHGĐ tỉnh tư vấn khám sức khỏe sinh sản cho phụ nữ xã vùng cao Đại Dực (huyện Tiên Yên).
Điển hình như UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, vận động cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2022-2025”. Qua đó, góp phần phòng chống tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, giảm tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 11% vào năm 2025 theo mục tiêu Nghị quyết 06/NQ-TU của Tỉnh ủy và xuống dưới 17% đối với thể thấp còi theo mục tiêu Kế hoạch của tỉnh thực hiện Chương trình hành động quốc gia về trẻ em giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh và Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030.
Theo đó, tỉnh sẽ chi hơn 8 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để triển khai các hoạt động nhằm cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em ở 64 xã thuộc 8 địa phương là Hạ Long, Móng Cái, Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Vân Đồn và 16 xã có tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng ở mức cao nhất trong tỉnh hiện nay bao gồm: Đồng Sơn, Kỳ Thượng (TP Hạ Long); Đạp Thanh, Thanh Lâm (huyện Ba Chẽ); Điền Xá, Hải Lạng, Hà Lâu, Phong Dụ (huyện Tiên Yên); Lục Hồn, Vô Ngại, Húc Động (huyện Bình Liêu); Quảng An, Quảng Lâm (huyện Đầm Hà); Quảng Sơn, Quảng Đức (huyện Hải Hà); Vạn Yên (huyện Vân Đồn).
Giai đoạn 2023-2025, tỉnh tiếp tục thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi; tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp; đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, triển khai công tác bình đẳng giới đối với phụ nữ và trẻ em; hướng tới đảm bảo bình đẳng giới tại các vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.