Xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia công tác bảo vệ môi trường (BVMT), trong những năm qua, MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội đã tích cực thực hiện nhiều hoạt động thiết thực.
Mô hình Biến rác thành tiền của Hội Phụ nữ xã Hiệp Hòa (TX Quảng Yên) duy trì hiệu quả tại 17 chi hội.
Công tác BVMT là một trong 5 nội dung thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do MTTQ chủ trì, phát động. Nội dung này được đưa vào quy ước, hương ước của khu dân cư; là tiêu chí đánh giá thi đua của cuộc vận động và kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
MTTQ và các đoàn thể đã tích cực tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của mỗi người dân, từng gia đình, cộng đồng dân cư, các tổ chức tôn giáo, các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh nắm vững và thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời kỳ mới. Tập trung hướng dẫn các hộ gia đình thực hiện nghiêm túc quy định về vệ sinh môi trường. Thông qua phối hợp với cộng đồng tôn giáo tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi thói quen, tập quán trong việc mai táng sang hỏa táng, bảo đảm vệ sinh môi trường. Phát huy vai trò nòng cốt trong tập hợp lực lượng, quần chúng nhân dân hưởng ứng, tham gia các sự kiện, ngày lễ, kỷ niệm về môi trường với hàng triệu lượt tham gia các hoạt động thu gom rác thải, làm sạch biển, trồng cây, chống rác thải nhựa…
Cùng với đó, phát huy sức mạnh cộng đồng trong thực hiện giám sát và phản biện xã hội, MTTQ tỉnh thường xuyên chỉ đạo MTTQ các địa phương nắm bắt tình hình tư tưởng nhân dân, việc thực hiện các quy định về Luật Bảo vệ môi trường của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà máy, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri trong tỉnh tổng hợp được nhiều ý kiến của cử tri về vấn đề môi trường kiến nghị đến Quốc hội, HĐND các cấp. Trong đó một số vấn đề nhân dân kiến nghị phản ánh đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo, giải quyết triệt để như: Chỉ đạo các đơn vị kinh doanh phải đảm bảo môi trường vận chuyển đất, cát, than trên các tuyến đường quốc lộ bằng các giải pháp che chắn, xây dựng đường vận chuyển riêng hoặc áp dụng hệ thống phun nước giảm thiểu bụi ra môi trường xung quanh; xây dựng các giải pháp tăng cường công tác BVMT vịnh Hạ Long, nghiêm túc xử lý các đơn vị kinh doanh, du lịch xả thải không qua xử lý ra môi trường vịnh, cấm hoạt động đối với phương tiện tàu hoạt động trên vịnh không đáp ứng yêu cầu về đảm bảo vệ sinh môi trường…
Việc xã hội hóa và xây dựng mô hình về BVMT được chú trọng. Ban Thường trực MTTQ tỉnh đã hướng dẫn các địa phương, phối hợp với các tổ chức đoàn thể xây dựng các mô hình điểm “khu dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Trên cơ sở đó, các địa phương đã triển khai trên 1.650 mô hình về thu gom rác thải, mô hình về ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện hài hòa giảm nghèo bền vững và BVMT, tang lễ văn minh tiến bộ và nhiều mô hình khác phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương như: “Toàn dân làm vệ sinh môi trường vì một Hạ Long xanh” (Hạ Long), “Đường hoa, Tranh tường” (Tiên Yên), “Nhân dân tự nguyện tự vận động”; mô hình vệ sinh môi trường – tạo cảnh quan gắn với phát triển du lịch cộng đồng (Móng Cái); mô hình “Sáng – xanh – sạch – đẹp”(Đông Triều)…
Thông qua các mô hình huy động được sự tham gia tích cực, đóng góp của nhân dân nhằm xã hội hóa công tác BVMT bằng nhiều hình thức như hiến đất, đóng góp ngày công lao động, vật tư dụng cụ và kinh phí bằng tiền để thực hiện, duy trì các mô hình cũng như phát huy vai trò chủ thể, tự quản, tự chăm sóc giữ gìn trong các hoạt động BVMT từ khu dân cư. MTTQ chỉ đạo mô hình cơ sở thờ tự bảo vệ môi trường chùa cảnh tiên tiến trong đó có 16 giáo xứ và 155 chùa, đồng thời Ban Trị sự giáo hội Phật giáo tỉnh đã chỉ đạo các chùa trên địa bàn triển khai xây dựng chùa cảnh tiên tiến và thông tin cho Phật tử và nhân dân thực hiện BVMT.
Cán bộ thôn Thành Công (xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ) hướng dẫn người dân phân loại, tái chế rác sinh hoạt tại hộ gia đình. Ảnh: Trúc Linh
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động bảo vệ môi trường khác được triển khai trong toàn tỉnh, huy động sự vào cuộc của cộng đồng dân cư. Dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển Vịnh Hạ Long” do Hội Nông dân tỉnh phối hợp triển khai thí điểm tại 4 phường, 2 trường THPT trên địa bàn TP Hạ Long và Đại học Hạ Long. Ngoài ra, còn có Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” do Tỉnh Đoàn và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp duy trì thường xuyên tại các địa phương vùng ven biển trong tỉnh như: Cẩm Phả, Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái. Các cấp hội LHPN trong tỉnh triển khai liên tiếp các hoạt động “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Ngày thứ 7, chủ nhật xanh”, “Dùng làn đi chợ”, “Biến rác thành tiền”, “Đoạn đường xanh – sạch – đẹp phụ nữ quản lý”…
Bà Bùi Thị Hân, thôn 8, xã Sông Khoai, TX Quảng Yên, cho biết: Sau khi được các đoàn thể của địa phương tuyên truyền, vận động, chúng tôi nhận thức rõ về lợi ích, cũng như trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, thực hiện nghiêm túc việc thu gom rác thải đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường.
Với sự chủ động, tích cực của MTTQ và các đoàn thể, cùng các cấp, ngành góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần tự giác, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường.