Hoạt động tư vấn, truyền thông, chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) luôn được các ngành chức năng trong tỉnh duy trì hiệu quả. Từ đó bảo đảm quyền bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS cho phụ nữ.
Hội KHHGĐ tỉnh thường xuyên tổ chức các đợt khám lưu động cho phụ nữ miền núi, biên giới, DTTS. Từ đầu năm 2024 đến nay, Hội đã thực hiện 10 chuyến cung cấp dịch vụ lưu động tại các huyện Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Vân Đồn. Nguồn kinh phí của các chuyến đi, bên cạnh hỗ trợ của Hội KHHGĐ Việt Nam, Hội KHHGĐ tỉnh đã vận động cán bộ, hội viên tự nguyện đóng góp.
Chị Phùn Tài Múi (xã Quảng Thành, huyện Hải Hà) chia sẻ: “Các chuyến thăm khám dịch vụ lưu động thân thiện giúp chị em chúng tôi rất nhiều. Nhờ tư vấn của các chuyên gia, chúng tôi hiểu được cơ thể mình, biết sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn để tránh mang thai ngoài ý muốn”.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hậu, Chủ tịch Hội KHHGĐ tỉnh, cho biết: Để những buổi truyền thông chăm sóc SKSS-KHHGĐ, bình đẳng giới được hiệu quả cao, Hội tổ chức thảo luận nhóm, phát tờ rơi để người dân trao đổi những kiến thức còn thiếu; hướng dẫn sử dụng các biện pháp tránh thai, làm mẹ an toàn, bình đẳng giới; khám sàng lọc các bệnh lý về SKSS, cấp thuốc điều trị tại chỗ miễn phí, cung cấp những phương tiện tránh thai cho người dân.
Cùng với tổ chức nhiều chuyến cung cấp dịch vụ lưu động ở vùng sâu, vùng xa, Hội KHHGĐ tỉnh còn tích cực phối kết hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức xã hội cung cấp dịch vụ thiện nguyện. Hoạt động nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ tại Trung tâm Tư vấn dịch vụ KHHGĐ chăm sóc SKSS cũng được Hội KHHGĐ tỉnh chú trọng thực hiện. 6 tháng đầu năm 2024, Trung tâm đã đón 3.000 khách hàng tới nhận dịch vụ; điều trị bệnh phụ khoa cho 1.000 phụ nữ; khám và điều trị bệnh lây truyền qua đường sinh sản cho 600 trường hợp. Trung tâm đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều chị em phụ nữ khi ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ sinh sản, tư vấn vô sinh, hiếm muộn.
Bằng nhiều nguồn lực đầu tư, mạng lưới chăm sóc SKSS trên địa bàn tỉnh được củng cố. Các trung tâm y tế tuyến huyện đều có khoa chăm sóc SKSS; các trạm y tế đều có bác sĩ, y sĩ, nữ hộ sinh làm về sản khoa, phòng khám sản, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tại khoa sản của các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh đều có những thiết bị hiện đại phục vụ công tác chăm sóc SKSS, như: Siêu âm màu, siêu âm đầu dò, hệ thống phẫu thuật điều trị các bệnh liên quan đến SKSS…
Đặc biệt, một số bệnh viện đã thực hiện được hầu hết các kỹ thuật cao, vượt tuyến, hiệu quả, như: Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF); hạ thân nhiệt trong điều trị bệnh não thiếu oxy (HIE); lọc máu liên tục; oxy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể ECMO; hồi sức bệnh nhân sơ sinh trước và sau phẫu thuật; điều trị chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng, cực non tháng từ 25 tuần thai, cân nặng rất thấp từ 500g…
Chi cục DS-KHHGĐ (Sở Y tế) cung cấp và nâng cao kiến thức, kỹ năng về SKSS, phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục; trực tiếp chỉ đạo phòng dân số ở các địa phương, trong đó chú trọng địa bàn có nhiều cặp vợ chồng trẻ, sinh con một bề, vùng có mức sinh cao, những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, chưa áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, nhóm tuổi vị thành niên thanh niên… Các hoạt động truyền thông chủ yếu tập trung vào những nội dung: SKSS cho phụ nữ và trẻ em gái; tác hại của việc nạo phá thai không an toàn, tảo hôn và hôn nhân cận huyết; sử dụng các phương tiện tránh thai an toàn, hiện đại…
Để hoạt động chăm sóc SKSS duy trì ổn định, các ngành tiếp tục triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc SKSS, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về nâng cao sức khỏe cho phụ nữ mang thai, cải thiện SKSS vị thành niên, cơ bản loại trừ phá thai không an toàn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu về DS-KHHGĐ trong giai đoạn hiện nay.