Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến tiếp thu góp ý từ các đại biểu cho các văn bản tại Hội nghị
Các đại biểu được chia thành 4 tổ, thảo luận cho ý kiến về: dự thảo Báo cáo tổng kết công tác Hội năm 2024; dự thảo Kế hoạch triển khai nhiệm vụ công tác Hội năm 2025; dự thảo Báo cáo công tác kiểm tra, giám sát năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025; dự thảo Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ và phương hướng nửa cuối nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 – 2027; việc tổng kết Nghị quyết số 06/NQ-BCH, ngày 19/02/2014 của Ban Chấp hành TƯ Hội LHPN Việt Nam khóa XI về “Tăng cường công tác vận động phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ có đạo trong tình hình hiện nay” và xin chủ trương ban hành Nghị quyết mới thay thế; dự thảo Quy định về công tác thi đua, khen thưởng của Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027 và một số dự thảo văn bản khác.
Theo đó, các đại biểu cơ bản nhất trí các nội dung dự thảo báo cáo được đưa ra tại Hội nghị. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đưa ra những ý kiến, đề xuất để Thường trực Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp tình hình thực tế tại các địa phương. Theo bà Đoàn Thị Lê An, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cao Bằng, để báo cáo kiểm tra giám sát được hoàn thiện, TƯ Hội LHPN Việt Nam cần sớm hoàn thiện sửa đổi hướng dẫn số 13 về công tác kiểm tra, giám sát, đồng thời nghiên cứu bổ sung thêm về khó khăn, hạn chế khi Hội LHPN các cấp thực hiện các đề án.
Đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cao Bằng, bà Ngô Thị Hồng Hảo, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá, cho rằng TƯ Hội LHPN Việt Nam cần nghiên cứu lựa chọn chủ đề giám sát, phản biện xã hội sát hơn với chức năng, nhiệm vụ của Hội. Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn cần ghi rõ nhiệm vụ của Ủy ban kiểm tra và Ban chấp hành trong công tác kiểm tra, giám sát.
Đối với dự thảo Kế hoạch triển khai nhiệm vụ công tác Hội năm 2025, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Lệ Hà đề xuất chọn chủ đề năm 2025 là “Phát huy vai trò của phụ nữ tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Bà Nguyễn Thị Lệ Hà cũng đưa ra một số ý kiến bổ sung dự thảo quy chế thi đua, khen thưởng để các hội viên, phụ nữ cũng như cán bộ Hội cơ sở có thêm động lực thực hiện công tác Hội và các phong trào thi đua.
Tham gia tiếp thu ý kiến tại Tổ thảo luận số 1, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận và tiếp thu ý kiến, góp ý của các đại biểu. Theo Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyến, trên cơ sở kết quả đánh giá công tác năm 2024 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc XIII, đồng thời tiếp thu các quan điểm chỉ đạo mới của Bộ Chính trị và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Đoàn Chủ tịch TƯ Hội đã điều chỉnh, bổ sung chủ đề năm theo phương án phát huy vai trò của phụ nữ trong tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Chủ đề này hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh đất nước đang chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng – sự kiện có ý nghĩa quan trọng mang tính bước ngoặt, là dấu mốc đặc biệt trên con đường phát triển của đất nước ta. Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu rất cao trong công tác cán bộ và với tư cách là một thành viên của tổ chức chính trị – xã hội, Hội LHPN Việt Nam phải là đơn vị tiên phong trong việc thực hiện các nội dung như: chủ tưởng tinh gọn tổ chức, bộ máy hoạt động hiệu quả, phòng – chống lãng phí, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội,… xây dựng và thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 đảm bảo hiệu quả, thiết thực. Việc tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai nhiệm vụ công tác Hội năm 2025 phải đảm bảo thực chất, làm rõ nội dung trách nhiệm của từng cấp.
Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến tiếp thu góp ý từ các đại biểu cho các văn bản tại Hội nghị.
“Trên cơ sở góp ý từ các đại biểu, các chỉ tiêu đưa ra sẽ được Đoàn Chủ tịch xem xét để điều chỉnh cho phù hợp, tuy nhiên các cấp Hội LHPN Việt Nam vẫn cần đảm bảo sâu sát với hội viên, phụ nữ và nhân dân, nắm bắt tình hình, phát hiện sớm các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em để có giải pháp bảo vệ quyền lợi kịp thời. Cùng với đó, công tác tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội, đặc biệt là cấp cơ sở, trong việc tổ chức các hoạt động dân chủ thực chất cần được quan tâm, chú trọng để các cấp Hội có thêm nhiều hoạt động thiết thực, vận động phụ nữ tham gia các tổ chức chính trị – xã hội, đóng góp ý kiến xây dựng Đảng và hệ thống chính trị” – Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến khẳng định.
Trước khi có Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến thảo luận tổ, hoạt động thảo luận tại các tổ sẽ tiếp tục diễn ra vào sáng 13/12 với nhiều nội dung quan trọng khác.