Sau một ngày làm việc với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và nhân dân, Kỳ họp thứ 22 (kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh khóa XIV đã bế mạc, hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra, thông qua 11 nghị quyết theo thẩm quyền với sự đồng thuận, thống nhất rất cao từ các đại biểu HĐND tỉnh.
Tại kỳ họp, đã có 60 lượt ý kiến tham gia phát biểu (trong đó có 38 lượt ý kiến của đại biểu HĐND) được chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiên cứu kỹ các nội dung kỳ họp. Các ý kiến tập trung trí tuệ, trách nhiệm, thẳng thắn tham gia, thảo luận vào các nhóm vấn đề trọng tâm, là những cơ chế, biện pháp quan trọng liên quan trực tiếp đến công tác điều hành phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong thời điểm những tháng cuối năm 2024 để đưa ra các giải pháp điều hành hiệu quả góp phần thúc đẩy hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh năm 2024.
Nổi bật là các nhóm vấn đề liên quan đến điều chỉnh dự toán ngân sách và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030; chủ trương đầu tư một số công trình giao thông; nhóm vấn đề về an sinh xã hội như quy định về việc tặng quà, thăm hỏi, động viên người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng; chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh… được nhiều đại biểu HĐND quan tâm, đóng góp, đề xuất nhiều ý kiến tham gia vào dự thảo nghị quyết trên cơ sở bám sát bối cảnh, điều kiện thực tế.
Báo cáo tổng hợp các ý kiến của đại biểu qua các phiên thảo luận, đồng chí Vi Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh nhấn mạnh: Các ý kiến tham gia tại kỳ họp được đánh giá rất chất lượng, suy nghĩ, đi thẳng vào vấn đề, đúng, trúng, kết nối đời sống thực của người dân, đem lại cho cử tri cái nhìn rõ ràng, chi tiết và đa chiều về nhiều vấn đề nổi cộm của đời sống kinh tế – xã hội, nhận được nhiều sự quan tâm của cả hệ thống chính trị.
Trên tinh thần tiếp thu, cầu thị, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí trong Thường trực UBND tỉnh đã giải trình, làm rõ một số nội dung được đại biểu HĐND tỉnh quan tâm. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: 10 tháng năm 2024 Quảng Ninh có nhiều thời cơ, thuận lợi đan xen khó khăn, thách thức, những vấn đề phát sinh ngoài dự báo.
Đặc biệt bão số 3 (Yagi) – cơn siêu bão đổ bộ vào tỉnh đã gây thiệt hại nặng nề trên 28.000 tỷ đồng, song Quảng Ninh đã khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đây là kết quả của những cố gắng, nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân.
Quảng Ninh sẽ tiếp tục kiên định với mục tiêu đã đặt ra, giữ vững tốc độ tăng trưởng GRDP trên hai con số, phấn đấu tăng trưởng kinh tế quý IV đạt trên 15%, thu ngân sách nhà nước cả năm không thấp hơn 55.600 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, thu hút vốn FDI cả năm đạt 3 tỷ USD, tổng khách du lịch cả năm đạt trên 19 triệu lượt khách…
Để đạt được mục tiêu này, với tinh thần tự lực, kiên cường vượt khó, tỉnh đã điều chỉnh kịch bản tăng trưởng, tập trung cho các mũi nhọn kinh tế tiêu biểu, cụ thể hóa các chỉ đạo để vận hành hiệu quả các giải pháp phục hồi kinh tế, tăng thu, giải ngân đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án khôi phục, tái thiết nền kinh tế sau bão… trên cơ sở bám sát bối cảnh thực tế tại tỉnh.
Chủ tọa Kỳ họp đã điều hành thông qua 11 nghị quyết với sự thống nhất của 100% đại biểu HĐND tỉnh dự họp, thể hiện rõ trách nhiệm trước Đảng bộ, chính quyền, cử tri và nhân dân toàn tỉnh. Trong đó có nhiều nội dung quan trọng, cần thiết không chỉ bảo đảm cho sự ổn định, đổi mới phát triển của tỉnh trong năm 2024, mà còn của cả giai đoạn.
Cụ thể, HĐND tỉnh đã quyết nghị thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư một số dự án, công trình giao thông; điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; cho ý kiến về Kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp tỉnh giai đoạn 2026-2030; Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép; Nghị quyết quy định về việc tặng quà nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7), Tết Nguyên đán hằng năm đối với người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng; chương trình phát triển đô thị các địa phương (thành phố: Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí), tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040…
Phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Vi Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đã đánh giá cao các ý kiến phát biểu của các đại biểu HĐND tỉnh và ý kiến giải trình, làm rõ của các thành viên UBND tỉnh, chất lượng báo cáo thẩm tra của các ban HĐND tỉnh. Các nghị quyết được đại biểu HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp đều là những vấn đề cấp thiết, trực tiếp phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 và những năm tiếp theo.
Để các quyết sách đi ngay vào cuộc sống, có hiệu lực và hiệu quả, đồng chí đề nghị ngay sau kỳ họp, UBND tỉnh, các ban HĐND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện ngay, để phát huy hiệu quả cao nhất, đặc biệt là các nghị quyết trong lĩnh vực kinh tế – ngân sách, đầu tư công…
Đồng chí nhấn mạnh: Quỹ thời gian còn lại của năm 2024 còn rất ngắn, thực tiễn hiện nay áp lực giải ngân rất lớn dồn về các tháng cuối năm, nhiệm vụ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình; chủ động phòng, chống lãng phí, tiêu cực là nhiệm vụ rất quan trọng. Trong điều kiện thời tiết nắng hanh kéo dài, chủ đầu tư các dự án, công trình từ vốn ngân sách tỉnh đến vốn ngân sách địa phương đang đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục dự án, công trình nhằm bù đắp khối lượng chưa được hoàn thành do điều kiện thời tiết trước đó mưa nhiều, chúng ta xác định đây là thời điểm “vàng” để thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả chi ngân sách địa phương; kiên quyết không để lặp lại tình trạng tồn dư dự toán lớn. Quản lý chặt chẽ các nguồn thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, nuôi dưỡng nguồn thu, mở rộng cơ sở thu và khai thác hiệu quả các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng, phấn đấu tăng thu từ thuế, phí nội địa, thu xuất nhập khẩu ở mức cao nhất nhằm bù đắp nguồn hụt thu; tích cực thu hồi các khoản nợ đọng thuế…
Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của cả năm 2024, các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, nhất là lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu càng phải tập trung rà soát kỹ lưỡng từng chỉ tiêu, nhiệm vụ; nêu cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương và làm gương; nắm chắc địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh.
Kỳ họp thứ 23 (Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024) sẽ được tổ chức vào đầu tháng 12/2024, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, các tổ đại biểu HĐND tỉnh và các cơ quan, đơn vị sở, ngành chuyên môn tích cực, chuẩn bị tốt các nội dung kỳ họp. Trọng tâm là tập trung xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công năm 2025 – năm cuối nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu mà Đại hội đã đề ra.
Trong đó, phải tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém, trong công tác chuẩn bị đầu tư công theo đúng quy định của Luật Đầu tư công. Đề xuất cơ chế, biện pháp nâng cao hiệu quả điều hành ngân sách địa phương phù hợp với tình hình mới theo hướng tăng cường phân cấp sát với đặc thù của các địa phương.
Thực hiện tiếp xúc cử tri, tập trung rà soát, giải quyết thấu đáo, dứt điểm các kiến nghị của cử tri, nhân dân; nhất là các kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan, chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND tỉnh. Đảm bảo chuẩn bị tốt nhất các nội dung, chương trình Kỳ họp cuối năm 2024.
Các nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khóa XIV (1) Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 327 (đoạn từ đường trục chính thành phố Đông Triều đến ngã tư Nam Mẫu, thành phố Uông Bí). (2) Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 330, đoạn từ thị trấn Ba Chẽ đến đường tỉnh 342. (3) Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vốn ngân sách cấp tỉnh. (4) Nghị quyết về việc điều chỉnh dự toán chi ngân sách cấp tỉnh năm 2024 và một số nội dung thuộc lĩnh vực tài chính – ngân sách. (5) Nghị quyết cho ý kiến về Kế hoạch Đầu tư công trung hạn cấp tỉnh giai đoạn 2026 – 2030. (6) Nghị quyết về việc thông qua danh mục các dự án, công trình thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh đợt 03 năm 2024; điều chỉnh tên, diện tích dự án, diện tích thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với một số dự án, công trình đã được HĐND tỉnh thông qua. (7) Nghị quyết quy định thẩm quyền quyết định mua sắm hàng hóa, dịch vụ tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Quảng Ninh. (8) Nghị quyết cho ý kiến về mức tỷ lệ (%) để tính đơn giá thuê đất, mức tỷ lệ (%) thu đối với đất xây dựng công trình ngầm, mức tỷ lệ (%) thu đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. (9) Nghị quyết Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. (10) Nghị quyết quy định về việc tặng quà nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7), Tết Nguyên đán hằng năm đối với người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng và người thờ cúng liệt sĩ của tỉnh Quảng Ninh. (11) Nghị quyết cho ý kiến về Chương trình phát triển đô thị các địa phương (thành phố: Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí), tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040. |
Theo Đỗ Phương – TTTT tỉnh