Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ninh

Quang Ninh Wonmen's union

Phụ nữ Quảng Ninh: "Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang"

Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số

Mặc dù chỉ chiếm 12,31% dân số cả tỉnh, nhưng người dân tộc thiểu số (DTTS) ở Quảng Ninh sinh sống ở hầu khắp 13 huyện, thị, thành phố trên địa bàn. Thời gian qua, tỉnh có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; trong đó có việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với phát triển du lịch.

Từ năm 2020 đến nay, Quảng Ninh đã triển khai thực hiện một loạt các đề án nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch vùng DTTS trên địa bàn, như: Đề án phát triển du lịch cộng đồng bền vững, tập trung, ưu tiên vùng đồng bào DTTS&MN, biên giới, hải đảo; Đề án bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030; Đề án bảo tồn, khôi phục và phát huy các môn thể thao dân tộc tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030…

Điệu hát then của dân tộc Tày tại Lễ hội Mùa vàng huyện Bình Liêu năm 2023.
Điệu hát then của dân tộc Tày tại Lễ hội Mùa vàng huyện Bình Liêu năm 2023.

Tỉnh thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa 4 Làng DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2023-2025, gồm: Làng người Tày ở Bản Cáu, xã Lục Hồn và Làng người Sán Chỉ tại thôn Lục Ngù, xã Húc Động của huyện Bình Liêu; Làng người Dao Thanh Y thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, TP Móng Cái; Làng người Sán Dìu xã Bình Dân huyện Vân Đồn.

Đặc biệt, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 về “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”; đây là cơ sở, nền tảng quan trọng để thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS, gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào DTTS&MN, biên giới trên địa bàn.

Theo đó, các địa phương đẩy mạnh xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở vùng DTTS&MN nhằm tạo nơi vui chơi, sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các hoạt động văn hóa của bà con. Riêng năm 2024, các địa phương đã bố trí vốn đầu tư xây dựng, sửa chữa, bổ sung 13 dự án, công trình thuộc lĩnh vực văn hoá, phục vụ nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho Nhân dân. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 51 xã vùng DTTS&MN có nhà văn hóa độc lập, còn lại 12 xã sử dụng chung với Hội trường UBND xã và Nhà văn hóa thôn; 100% các thôn, bản vùng đồng bào DTTS có nhà văn hóa.

Bóng đá nữ là hoạt động thu hút đông đảo du khách tại Hội Soóng Cọ được tổ chức hàng năm ở xã Húc Động (Bình Liêu). Ảnh: Đào Linh
Bóng đá nữ là hoạt động thu hút đông đảo du khách tại Hội Soóng Cọ được tổ chức hàng năm ở xã Húc Động (Bình Liêu). Ảnh: Đào Linh

Các địa phương còn chủ động thực hiện phê duyệt và cơ bản hoàn thành các quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 các xã có 4 làng DTTS thuộc Đề án đã được phê duyệt; xây dựng cảnh quan môi trường đảm bảo đặc trưng truyền thống của mỗi làng gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân là chủ thể quan trọng trong xây dựng Làng DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2023-2025.

Tiêu biểu, huyện Vân Đồn đã thực hiện tuyên truyền, vận động người dân bảo tồn ngôn ngữ, trang phục, các nghi lễ, văn hóa truyền thống của người Sán Dìu; huyện Bình Liêu thông tin tuyên truyền Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu tộc người Tày Bình Liêu phục vụ phát triển du lịch cộng đồng; TP Móng Cái vận động bà con thôn Pò Hèn là nòng cốt chủ động cung cấp các dịch vụ phục vụ du lịch trên nền văn hóa bản địa…

Các địa phương đã nhận diện và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các DTTS, các giá trị thiên nhiên tươi đẹp vùng đồng bào DTTS&MN, biên giới; có hướng đi gắn bảo tồn văn hoá truyền thống với phát triển du lịch cộng đồng bền vững, đưa văn hóa của đồng bào các DTTS thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc, độc đáo của tỉnh; như: Bóng đá nữ người Sán Chỉ ở Bình Liêu, Tiên Yên; các phong tục tập quán của người Dao, Tày, Sán Chỉ, Sán Dìu; các làn điệu dân ca, dân vũ của các DTTS… đã tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo của Quảng Ninh.

Lễ cấp sắc của người Dao Thanh Phán thôn Khe Vang, xã Đồn Đạc, Ba Chẽ. Ảnh: Nguyễn Kim Tuyến (Phòng VHTT huyện Ba Chẽ)
Lễ cấp sắc của người Dao Thanh Phán thôn Khe Vang, xã Đồn Đạc, Ba Chẽ. Ảnh: Nguyễn Tuyến (Phòng VHTT huyện Ba Chẽ)

Đến nay, văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh được phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch. Hiện Quảng Ninh có 362 di sản văn hóa phi vật thể. Nhiều văn hóa phi vật thể được đánh giá, công nhận, xếp hạng như: Nghi lễ cấp sắp của người Dao; Đại Phan của dân tộc Sán Dìu, Hội Soóng cọ của người Sán Chỉ, lễ hội Kiêng gió của người Dao Thanh Phán, Lễ hội Lồng Tồng của người Tày ở Ba Chẽ,… Trong đó có di sản Then của người Tày Quảng Ninh là một trong số 11 tỉnh có Then Tày, Nùng, Thái Việt Nam được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Lễ mừng cơm mới của dân tộc Tày tỉnh Quảng Ninh đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia giai đoạn 2022-2025.

Qua việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, đời sống văn hoá tinh thần của người dân vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện. Nhân dân các dân tộc tích cực, chủ động thực hiện tốt các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao; các mô hình câu lạc bộ được củng cố và nhân rộng hướng đến chất lượng có chiều sâu, hiệu quả, thu hút đông đảo người dân tham gia, hưởng thụ. Tỷ lệ người dân tham gia hoạt động tại trung tâm văn hóa, thể thao là 50%; tỷ lệ người dân tham gia luyện tập thể thao là 40%.

Theo Thu Nguyệt – TTTT tỉnh
Facebook
Twitter
Telegram
Email

tin tức - sự kiện

Thống kê truy cập

Hôm nay: 4
Hôm qua: 44
Trong tuần: 130

Trong 30 ngày qua: 897
Tổng truy cập: 957818

Đăng ký nhận tin.