Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng, tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới. Những năm qua, các cấp hội phụ nữ tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền về bình đẳng giới để từng bước rút ngắn khoảng cách giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ.
Những tháng đầu năm 2024, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo thực hiện nhiều hoạt động, chương trình, đề án hiệu quả, thiết thực. Qua đó lan tỏa, chung tay hành động hỗ trợ phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế, phòng ngừa bạo lực, xâm hại, để phụ nữ và trẻ em luôn được sống trong tình yêu thương, được chăm lo phát triển toàn diện.
Nhiều hoạt động thiết thực
Chương trình “Mẹ đỡ đầu” mà Hội LHPN tỉnh đang thực hiện là hoạt động được ghi nhận, đánh giá cao, nhờ ý nghĩa xã hội nhân văn, thiết thực. Cách làm chặt chẽ, bài bản và uy tín của đội ngũ cán bộ hội nắm chắc tình hình cơ sở, là cách để hội lan tỏa thông điệp tương thân tương ái trong cộng đồng, chung sức, chung lòng, san sẻ tấm lòng thơm thảo đến với những trẻ em nói chung, bé gái nói riêng, cần trợ giúp. Thực hiện chương trình, đến nay các cấp hội đã vận động, kết nối hỗ trợ đỡ đầu cho 568 trẻ với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng.
Lê Thị Ngân (SN 2014, khu 5, phường Cao Xanh, TP Hạ Long) chia sẻ: “Mẹ em không may mất sớm vì bạo bệnh, bố em công việc không ổn định. Hai chị em em được các mẹ ở Hội LHPN thành phố hỗ trợ theo chương trình “Mẹ đỡ đầu”. Hằng tháng chúng em được nhận hỗ trợ 2 triệu đồng để trang trải chi phí học tập, ăn uống, sinh hoạt. Các mẹ còn thường xuyên quan tâm chỉ bảo giữ gìn nền nếp ngăn nắp, gọn gàng. Em rất cảm ơn các mẹ, đã giúp chúng em dần gỡ bỏ mặc cảm, tự ti, càng thêm cố gắng học tập”.
Cùng với chương trình “Mẹ đỡ đầu”, năm 2024 các cấp hội phụ nữ tỉnh đẩy mạnh Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”.
6 tháng đầu năm, các cấp hội đã thành lập thêm 14 tổ truyền thông tại cộng đồng, nâng tổng số 39 tổ đến nay. Cùng với đó tăng cường hoạt động truyền thông về nội dung xoá bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em thông qua các cuộc tập huấn, truyền thông, sinh hoạt chi hội và sản phẩm truyền thông.
Thực hiện Đề án “Tuyên truyền, vận động cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2022-2025”, Hội LHPN tỉnh đã ra mắt mô hình “Chăm sóc và giáo dục trẻ thơ” tại 16 xã có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao thuộc 7 địa phương: Hạ Long, Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Vân Đồn. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức, vận động thay đổi hành vi của các bà mẹ, gia đình, người dân và cộng đồng về chăm sóc sức khỏe, cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em dưới 5 tuổi.
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Năm 2024 các cấp hội phụ nữ tỉnh tiếp tục đa dạng các hình thức tuyên truyền, phát huy hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp hội.
Theo đó, thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt chi, tổ hội, họp dân cư, phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội, các cấp hội kịp thời thông tin, tuyên truyền đến cán bộ, hội viên phụ nữ, các tầng lớp nhân dân về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh.
Các cấp hội phụ nữ tỉnh cũng tích cực chỉ đạo xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em. Cụ thể, tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ” (Đề án 938).
Trong đó tập trung nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ về các lĩnh vực: Vệ sinh ATTP, giáo dục đời sống gia đình, kỹ năng làm cha mẹ; bảo vệ chăm sóc; phòng chống xâm hại phụ nữ và trẻ em, phòng chống tội phạm và tệ nạn từ gia đình…
6 tháng đầu năm 2024, Hội LHPN tỉnh đã chủ trì tổ chức 38 lớp tập huấn, truyền thông về kiến thức chăm sóc trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội, mại dâm, phòng chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng; truyền thông về ATTP, xây dựng gia đình hạnh phúc ấm no; hỗ trợ phụ nữ hoàn lương cho đội ngũ cán bộ hội viên phụ nữ, trong đó có các lớp tại địa bàn khu vực DTTS, miền núi, biên giới. Bên cạnh đó, thành lập 2 mô hình “Nhóm cha mẹ chăm sóc và giáo dục trẻ thơ”, tổng số 60 thành viên (30 thành viên/mô hình), nâng tổng số 5 mô hình đến nay.
Thời gian tới Hội LHPN tỉnh tiếp tục triển khai tốt các hoạt động truyền thông, bồi dưỡng, tập huấn, các mô hình theo Đề án “Tuyên truyền, vận động cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2022-2025”; Dự án 8; chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” và các đề án, dự án khác Hội đang chủ trì thực hiện.
Cùng với đó, tiếp tục các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế; giúp đỡ các gia đình phụ nữ nghèo, cận nghèo; tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho hội viên; phối hợp triển khai có hiệu quả các chương trình MTQG và cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh.