Tại Quảng Ninh, với sự vào cuộc đầy tích cực, trách nhiệm của các cấp hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở, các nội dung của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” đã thực sự đi nhanh vào đời sống.
Hội LHPN huyện Đầm Hà là một trong những điểm sáng về triển khai thực hiện các nội dung của Dự án 8, với nhiều mô hình đang được các cơ sở hội duy trì khá hiệu quả, được đông đảo hội viên phụ nữ đón nhận, tham gia sôi nổi. Ghi nhận tại xã Quảng An (huyện Đầm Hà), một mô hình đang được triển khai rất bài bản và hiệu quả là “Nhóm cha mẹ chăm sóc, giáo dục, phát triển trẻ thơ”. Thực hiện mô hình này, Hội LHPN xã chủ yếu hướng hoạt động vào những gia đình có con nhỏ dưới 5 tuổi. Bằng những buổi gặp gỡ, tuyên truyền trực tiếp tại hộ gia đình, chị em phụ nữ dễ dàng mở lòng hơn, chia sẻ về khó khăn, vướng mắc của bản thân để được tư vấn, hỗ trợ phù hợp.
Chị Nguyễn Thị Đan Thùy (thôn Nà Thổng, xã Quảng An, huyện Đầm Hà), thành viên tham gia mô hình cho biết: Nhiều chị em ở vùng cao có kiến thức chăm sóc con nhỏ rất hạn chế. Do đó chúng tôi cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ khi cần thiết. Đối với những chị em còn rụt rè, chưa cởi mở, chúng tôi cũng có những cách khéo léo để gặp gỡ, từng bước thuyết phục, hướng dẫn.
Bám sát Kế hoạch số 255/KH-UBND ngày 31/10/2022 của UBND tỉnh về triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, những năm qua Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo Hội LHPN các địa phương tích cực xây dựng những tổ truyền thông tiên phong thay đổi trong cộng đồng. Theo đó, Hội LHPN tỉnh trực tiếp hướng dẫn tổ chức hội cấp huyện, cấp xã xây dựng mạng lưới truyền thông trên nền tảng số (zalo, fanpage…) để chia sẻ, lan toả hoạt động của các tổ truyền thông.
Cùng với đó, xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Đồng thời, nghiên cứu các mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế, hoà nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người; đảm bảo tiếng nói và vai trò của trẻ em gái trong phát triển KT-XH của cộng đồng thông qua mô hình CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Đặc biệt, trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng.
Từ khi triển khai dự án đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 39 tổ truyền thông cộng đồng (vượt chỉ tiêu 8,3%); thành lập 28 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” (đạt 56% kế hoạch). Tỉnh đã có 30/100 địa chỉ tin cậy sẵn có tại cộng đồng được củng cố, nâng cao chất lượng (đạt 30% kế hoạch). Bên cạnh đó, có 40% chị em phụ nữ làm chủ, đồng làm chủ các mô hình sản xuất kinh doanh, hoặc thành viên tổ, nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã được tham gia tập huấn chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, sản xuất kinh doanh.
Tỉnh cũng có trên 2.600 phụ nữ thuộc 12 thôn đặc biệt khó khăn và 24 thôn mới hoàn thành Chương trình 135 tham gia 28 lớp truyền thông/bồi dưỡng, tập huấn về xóa bỏ định kiến giới và khuôn mẫu giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; phòng chống mua bán người. Đến nay, có trên 400 cán bộ nữ chủ chốt cấp xã và cán bộ hội phụ nữ cơ sở được tham gia 2 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng theo quy định.
Có thể thấy, Dự án 8 đã và đang góp phần vào việc nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến giới; phát huy vai trò chủ động của chính phụ nữ, kết hợp với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và người dân trong chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em.