Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ninh

Quang Ninh Wonmen's union

Phụ nữ Quảng Ninh: "Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang"

Đổi thay nhờ những chính sách dân tộc

Những năm qua, việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trên địa bàn Quảng Ninh đã tạo bước chuyển rõ nét về mọi mặt, làm thay đổi diện mạo khu vực miền núi, đồng bào DTTS, nâng cao đời sống của nhân dân. Qua đó, góp phần rút ngắn khoảng cách vùng miền, nhân lên niềm tin của đồng bào các DTTS đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, tạo động lực để người dân đoàn kết, phấn đấu xây dựng bản, làng ấm no, hạnh phúc.

sdf
Anh La A Nồng (bên trái), là một trong những điển hình đảng viên, thanh niên làm kinh tế giỏi tại xã Húc Động với mô hình sản xuất miến dong.

Đổi thay ở vùng khó

Bình Liêu hiện có tỷ lệ đồng bào DTTS cao nhất tỉnh, chiếm 94,36% dân số toàn huyện. Trên địa bàn huyện có 6 xã và 1 thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS. Diện mạo của những thôn, bản từng rất khó khăn của Bình Liêu hiện nay đang ngày một khởi sắc. Sự đổi thay không chỉ đến từ những công trình điện, đường, trường, trạm khang trang, mà trong từng nếp nghĩ, cách làm của người dân.

Anh La A Nồng (dân tộc Sán Chỉ) là một trong những điển hình đảng viên, thanh niên làm kinh tế giỏi tại thôn Nà Ếch (xã Húc Động, huyện Bình Liêu). Từ năm 2010, khi nhận thấy tiềm năng phát triển của cây dong riềng và nghề làm miến, anh La A Nồng đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa năng suất kém hiệu quả sang trồng dong riềng và vay vốn đầu tư máy móc sản xuất miến. 14 năm qua, với những chính sách hỗ trợ về vốn, cây giống, cũng như được tập huấn kỹ thuật trồng, sản xuất, xây dựng thương hiệu miến dong, anh Nồng đã vươn lên thoát nghèo và là Chủ nhiệm HTX Phát triển Đình Trung với sản phẩm miến dong đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

sdf
Anh La A Nồng cùng các thành viên HTX Phát triển Đình Trung đóng gói bao bì sản phẩm miến dong. 

Anh La A Nồng chia sẻ: Những năm qua, các cấp, ngành quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, vay vốn ưu đãi đã tạo điều kiện cho bà con các dân tộc mạnh dạn tham gia phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Gia đình tôi ngoài 3 tháng cuối năm tập trung sản xuất miến dong, còn trồng thêm hồi, quế, nhựa thông vào những khoảng thời gian khác trong năm. Mỗi năm gia đình tôi thu nhập khoảng 200-300 triệu đồng, đời sống ngày càng tốt lên, có điều kiện xây nhà ở mới, lo cho con cái học hành.

Năng động, cần cù, không ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không ngại thử nghiệm các mô hình sinh kế mới mang lại giá trị kinh tế cao – đó là tư duy tích cực đã giúp nhiều đồng bào DTTS tại Bình Liêu vươn lên thoát nghèo. Đây là minh chứng sống động cho những kết quả tích cực từ các chính sách dân tộc đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ về nguồn lực để hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội, cũng như hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nhận thức.

ádf
Đồng bào DTTS xã Húc Động mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dong riềng cho năng suất cao. 

Chị Lài Thị Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Húc Động, cho biết: Đối với địa phương còn nhiều khó khăn như Húc Động với gần 100% đồng bào DTTS sinh sống, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS, miền núi là rất thiết thực và hiệu quả, đã góp phần thúc đẩy, tạo sinh kế lâu dài cho người dân. Thời gian qua, địa phương luôn tận dụng nguồn lực, nguồn vốn từ các chính sách dân tộc để giúp bà con thoát nghèo một cách hiệu quả, bền vững nhất. Ngoài sự vào cuộc của cấp ủy, địa phương cũng phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS để vận động, tuyên truyền và huy động sự vào cuộc tích cực của bà con. Tỷ lệ đồng thuận của người dân trong thực hiện các chủ trương lớn rất cao; nhận thức của bà con có nhiều đổi thay rõ rệt, nhiều hộ cũng chủ động tìm hướng đi phát triển kinh tế, không phụ thuộc vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Điều này đã góp phần giúp xã về đích trong chương trình xây dựng NTM nâng cao.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, những năm qua, các chính sách đối với vùng đồng bào DTTS được huyện Bình Liêu triển khai kịp thời, đúng đối tượng, phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Trong giai đoạn 2019-2024, đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã tích cực phát triển kinh tế theo định hướng gắn với các thế mạnh của địa phương như nông, lâm nghiệp, du lịch. Nổi bật là thực hiện chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây có năng suất, giá trị kinh tế cao (ngô, dong riềng) với diện tích gần 300ha; trên địa bàn huyện đã xây dựng được 31 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, trong đó có 17 sản phẩm đạt xếp hạng từ 3 sao trở lên… Bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện được bảo tồn, phát huy, trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng để mảnh đất vùng biên viễn vươn mình, trở thành huyện miền núi, biên giới, dân tộc đầu tiên đạt chuẩn NTM.

sdf
Đồng bào DTTS thôn Đồng Đạng, xã Sơn Dương (TP Hạ Long) phát triển mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm cộng đồng.

Cũng như các xã của huyện miền núi Bình Liêu, xã Sơn Dương (TP Hạ Long) đang đổi thay từng ngày với những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Không chỉ sản xuất nông nghiệp truyền thống, với sự định hướng của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng những chính sách hỗ trợ thiết thực, đồng bào các dân tộc nơi đây đã nâng cao nhận thức, khai thác thế mạnh địa phương để phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn.

Anh Ân Văn Thành (thôn Đồng Đạng, xã Sơn Dương) chia sẻ: Được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, từ mô hình vườn mẫu trồng ổi, tôi và bà con trong thôn đã phát triển mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm cộng đồng. Đặc biệt, từ khi hạ tầng giao thông ở thôn được đầu tư cải tạo, mở rộng, bà con đã vay vốn đầu tư để mở rộng mô hình, nhằm thu hút đông đảo du khách đến trải nghiệm. Năm 2024, gia đình tôi còn mở rộng thêm mô hình đầm sen và tới đây sẽ tổ chức gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP địa phương như ổi Hoành Bồ, khau nhục… để quảng bá đến du khách. Tôi mong rằng, các cấp, các ngành tiếp tục đồng hành hỗ trợ đồng bào DTTS trong phát triển mô hình du lịch sinh thái, hướng tới xây dựng một làng du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao thu nhập và xây dựng thôn ngày càng phát triển hơn.

ádf
Gia đình anh Ân Văn Kim (xã Sơn Dương, TP Hạ Long) đầu tư mở rộng mô hình du lịch sinh thái, nhằm thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Từ sự thống nhất, đồng lòng, quyết tâm cao và cách làm chủ động, sáng tạo, đột phá, sau 4 năm sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long, địa phương đã thực hiện tốt chính sách đối với vùng DTTS. Trong đó, tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển, góp phần thay đổi, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng đổi mới phát triển của nhân dân các xã vùng cao, tạo ra nguồn lực nội sinh cho quá trình xây dựng và phát triển thành phố mới. Từ đây, góp phần làm thay đổi nhanh chóng diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển và thu nhập trên địa bàn thành phố. Đến nay, 100% số xã của TP Hạ Long đạt chuẩn NTM; thành phố không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí nâng cao của tỉnh; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 100%…

ádf
Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh và huyện Ba Chẽ trò chuyện với bà con tại Đại hội đại biểu DTTS huyện Ba Chẽ, tháng 5/2024. 

Huy động sức mạnh tổng lực

Ngay từ khi thành lập và suốt quá trình xây dựng, phát triển, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng của đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm phát triển vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, với quan điểm, phương châm xuyên suốt: “Tất cả vì hạnh phúc của nhân dân”, “Mỗi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau” và được thể hiện trong từng chủ trương, chính sách trong suốt quá trình phát triển của địa phương.

Để cụ thể hóa chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc, tỉnh đã có hàng loạt chính sách hỗ trợ cho kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã xác định “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh” là một trong 3 khâu đột phá chiến lược.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo xây dựng đề án và ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) về phát triển bền vững kinh tế – xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND (ngày 16/7/2021) phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế – xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030… cùng hàng chục nghị quyết về cơ chế, chính sách cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ. Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi được triển khai gắn với chương trình giảm nghèo bền vững.

ádf
Đồng bào DTTS huyện Ba Chẽ giới thiệu sản phẩm OCOP địa phương đến các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu DTTS của huyện, tháng 5/2024. 

Không những vậy, Quảng Ninh tiếp tục tạo đột phá trong việc tập trung, ưu tiên dành nguồn lực cho chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế – xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Từ năm 2021 đến nay, Quảng Ninh ưu tiên bố trí trên 3.400 tỷ đồng vốn đầu tư ngân sách tỉnh hỗ trợ trực tiếp thực hiện chương trình và hàng nghìn tỷ đồng vốn lồng ghép, vốn sự nghiệp, cùng với huy động tổng thể các nguồn lực khác.

Bám sát chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển vùng đồng bào DTTS, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh luôn nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; bảo đảm quốc phòng – an ninh; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của các dân tộc. Trong đó, ưu tiên nguồn lực đầu tư các dự án tạo đột phá phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, điện sinh hoạt, nước sạch… huy động được nguồn lực rất lớn ngoài ngân sách để thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào DTTS.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 13 dự án giao thông động lực, kết nối vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo bằng nguồn vốn chương trình đã được hoàn thành. Tỉnh đã hoàn thành hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà ở dột nát cho 441 hộ với tổng kinh phí thực hiện từ nguồn xã hội hóa là 32,96 tỷ đồng, trong đó hoàn thành việc hỗ trợ cho 66 hộ thuộc diện xóa nhà tạm, nhà ở dột nát thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Không những vậy, trong năm 2023, tỉnh đã sửa chữa, bổ sung cơ sở vật chất cho 166 hạng mục công trình, trường học, với tổng kinh phí gần 1.400 tỷ đồng, trong đó đầu tư nâng cấp 5 trường học thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, với tổng kinh phí hơn 48 tỷ đồng. Hệ thống cơ sở vật chất, thiết chế văn hoá thể thao vùng DTTS được các cấp, các ngành quan tâm, đầu tư, nâng cấp đồng bộ. 100% thôn, bản vùng đồng bào DTTS có nhà văn hóa…

sadf
Với sự quan tâm đầu tư của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự chung tay của nhân dân, tuyến đường nội thôn Trại Cau (xã Sơn Dương) đã được cải tạo, mở rộng khang trang, sạch đẹp. 

Nhiều cơ chế, chính sách cụ thể về y tế, giáo dục, văn hóa, nhà ở, giải quyết việc làm, tín dụng chính sách xã hội, góp phần đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội cho bà con vùng đồng bào DTTS, miền núi được triển khai kịp thời. Điển hình như: Đề án nâng cao chỉ số phát triển con người tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025; đề án tuyên truyền, vận động cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2022-2025… Đặc biệt, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU (ngày 30/10/2023) về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững. Đây là cơ sở, nền tảng quan trọng để thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS, gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lục Thành Chung khẳng định: Sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc trong thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đã góp phần làm đổi thay sâu sắc đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là nhân dân vùng đồng bào DTTS. Nếp sống văn hóa được duy trì, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp được giữ vững. Hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người tại 67 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đã đạt 73,348 triệu đồng, tăng 1,7 lần so với năm 2020, cao hơn khoảng 1,23 lần so với thu nhập bình quân đầu người cả nước. 100% số xã vùng DTTS, miền núi có đường bê tông đến tận thôn, bản; 100% hộ dân có nhà ở kiên cố, được sử dụng nước hợp vệ sinh, được dùng điện lưới quốc gia và được xem truyền hình, được nghe đài phát thanh.

Theo Trúc Linh – TTTT tỉnh
Facebook
Twitter
Telegram
Email

tin tức - sự kiện

Thống kê truy cập

Hôm nay: 4
Hôm qua: 23
Trong tuần: 134

Trong 30 ngày qua: 683
Tổng truy cập: 956851

Đăng ký nhận tin.