Luật đã quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc bảo vệ trẻ em. Vậy, nếu trẻ bị xâm hại tình dục thì ai là người chịu trách nhiệm? Cục trưởng cục trẻ em sẽ trả lời về vấn đề này.
Theo Bộ LĐTB&XH, mỗi năm cả nước có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại được báo cáo, phát hiệ, trong đó có hơn 1.200 trẻ em bị xâm hại tình dục (chiếm hơn 60%).
Trao đổi với PNVN, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) cho biết, trong những năm gần đây, số vụ và số trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục có chiều hướng tăng, diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Đối tượng bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em gồm cả những người thân, người quen và cả người có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bao gồm cả cha đẻ, thầy cô giáo, xâm hại cả trẻ em nam… Trẻ em là nạn nhân của hành vi xâm hại tình dục, bị tổn hại nặng nề về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm, thậm chí là tính mạng.
Tuy nhiên, vấn đề được dư luận quan tâm chính là trách nhiệm của cơ quan chức năng trong thời gian qua khi các vụ xâm hại tình dục trẻ em ngày càng có diễn biến phức tạp. Về vấn đề này, ông Nam cho biết, Luật Bảo vệ Chăm sóc trẻ em đã quy định người chịu trách nhiệm trước hết là Chủ tịch UBND cấp xã, nơi xảy ra vụ việc trên địa bàn mình và Chủ tịch UBND tỉnh đó. Vì vậy, cơ quan bảo vệ pháp luật, thực thi pháp luật phải thực hiện đúng trách nhiệm theo luật định. Khi xảy ra sự việc ở địa phương nào, cần truy tận cùng trách nhiệm các bên, xem cấp nào chậm trễ, bỏ qua, không vào cuộc thì phải truy trách nhiệm cụ thể.
(Cô giáo nói về các tình huống nguy hiểm trẻ có thể dễ bị xâm hại tình dục. Ảnh: Đình Tuệ)
Cũng theo ông Nam, trong các vấn đề tại địa phương thì xâm hại trẻ em đã được luật quy định là ưu tiên xử lý. Vì vậy, khi xảy ra vấn đề đó tại địa phương, chính quyền phải có trách nhiệm xử lý. Những trường hợp sự việc vượt quá thẩm quyền, UBND xã/phường có quyền đề nghị cấp cao hơn can thiệp hỗ trợ.
Tuy nhiên, nếu trường hợp được báo cáo đã lâu nhưng không được xửu lý thì sẽ xác định trách nhiệm của các cấp. Ví như, xã/phường báo cáo nhưng cấp huyện không xử lý thì trách nhiệm thuộc về người đứng đầu huyện đó. Nếu huyện báo cáo lên tỉnh nhưng tỉnh không xử lý thì trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh. Nếu tỉnh đề nghị tỉnh bạn hoặc TƯ hỗ trợ nhưng không nhận được sự hỗ trợ thì trách nhiệm sẽ thuộc tỉnh bạn và cả TƯ.
Dù vậy, ông Nam cho rằng, vấn đề chính vẫn là gia đình. Do đó, phụ huynh cần phải có kiến thức, để khi phát hiện những bất thường trên cơ thể hoặc qua lời kể của con, phải bình tĩnh, nhẹ nhàng tìm hiểu sự việc, trong một số trường hợp có thể nhờ đến chuyên gia tâm lý. “Phụ huynh cũng cần nhắc trẻ không cho phép ai được đụng đến các vùng nhạy cảm trên cơ thể. Nếu ai đụng thì phải la lớn lên để nhờ người lớn can thiệp. Trong trường hợp phát hiện con bị xâm hại, gia đình cần phải sớm xử lý, thu thập chứng cứ. Tiếp đó cha mẹ cần trình báo cơ quan công an để được hỗ trợ”, ông Nam nói.
(Theo Như Ngọc – Báo Phụ nữ Việt Nam)