Hơn 1 tuần qua, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận liên tiếp các trường hợp cấp cứu do uống rượu rởm pha bằng cồn công nghiệp methanol hoặc uống phải loại cồn y tế rởm. Đã có 1 ca tử vong do uống cồn công nghiệp methanol pha loãng.
TS Nguyễn Trung Nguyên xem phim chụp nhồi máu não của bệnh nhân ngộ độc rượu
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho biết, trong các ca ngộ độc rượu, có nhiều người trẻ hôn mê sâu, tổn thương não rất nặng, suy thận cấp, hạ đường huyết, xuất huyết tiêu hóa, tiêu cơ vân… sau khi uống rượu.
Mới nhất là bệnh nhân 30 tuổi (Bắc Ninh) nhập viện sau khi uống rượu bị nôn rất nhiều, kèm tình trạng nói ngọng, yếu tay… Kết quả chụp chiếu cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu não cả 2 bên. “Nguyên nhân là do bệnh nhân uống quá nhiều rượu, nôn nhiều dẫn đến mất nước, máu cô đặc dẫn đến việc dễ bị tắc mạch… Trường hợp này bị nhồi máu não là do uống quá nhiều rượu, không phải tai biến mạch máu não thông thường. Rượu mà bệnh nhân uống là rượu bình thường – rượu ethanol, không phải là rượu chứa độc chất methanol”, TS Nguyên nói. Đến ngày 30/1, tức là sau gần 2 ngày điều trị, bệnh nhân có tiến triển hơn nhưng cơ thể vẫn rất yếu và chưa thể nói được bình thường.
Đáng báo động là vụ ngộ độc rượu rởm với 3 người làm cùng công ty tại tỉnh Thái Bình. Cách đây 3 ngày, trong bữa nhậu khai xuân, nhóm 7 người có uống loại rượu mà kết quả xét nghiệm cho thấy có tới 58% là methanol, chỉ 1% là ethanol – cồn sinh học trong rượu thông thường. Trường hợp nhập viện đầu tiên là bệnh nhân nam N.V.M., 49 tuổi (ở Thái Bình) bị toan chuyển hóa nặng đến mức không đo được chỉ số, nồng độ methanol trong máu tới 234 mg/dl (ngưỡng rất cao). Dù điều trị tích cực, nhưng sau gần 5 ngày, bệnh nhân vẫn hôn mê, phải đặt ống nội khí quản, lọc máu liên tục. Kết quả xét nghiệm mẫu rượu bệnh nhân uống cho thấy đây là rượu pha cồn công nghiệp (rượu rởm).
Bác sĩ Nguyên cho biết: “Cùng uống rượu với bệnh nhân M. còn 6 người khác, vì thế rất có thể có những trường hợp khác bị ngộ độc methanol mà chưa có biểu hiện bệnh. Chúng tôi đã vận động những người còn lại đến bệnh viện để xét nghiệm. Kết quả đã phát hiện thêm 2 người có nồng độ methanol trong máu rất cao dù chưa có biểu hiện ngộ độc. Hai trường hợp còn lại có thể uống ít hơn nên nồng độ methanol trong máu thấp”. Hiện ông B.N.L., 43 tuổi, cùng uống rượu với ông M., có tình trạng ngộ độc rượu, đang phải lọc máu. Còn một bệnh nhân khác cũng điều trị tại đây với biểu hiện tương tự.
Một trường hợp khác đang được điều trị tích cực tại Trung tâm Chống độc là nam bệnh nhân 36 tuổi (Lào Cai). Sau cuộc nhậu cách đây ít ngày, nam thanh niên nằm bệt một chỗ, người nhà thấy đắp chăn ngủ thì để yên, sáng dậy mới gọi thì phát hiện anh đã bất tỉnh. Người nhà vội đưa nam thanh niên vào bệnh viện tỉnh cấp cứu. Một ngày sau, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Chống độc. Bác sĩ điều trị cho biết, quá trình say rượu, nam thanh niên đã nằm bất động trong thời gian dài khiến cơ bị chèn ép, tổn thương (tiêu cơ vân) từ đó sinh ra chất gây tắc thận, dẫn đến suy thận phải chạy thận, phải lọc máu.
Dễ tổn thương não
Giáp Tết Nguyên đán, Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận nhiều trường hợp tổn thương não, hạ đường huyết chỉ vì uống rượu mà không ăn, bỏ bữa, dẫn đến hạ đường máu. Có những trường hợp được chuyển vào viện trong tình trạng đường máu về gần như bằng 0. Theo bác sĩ điều trị, tình trạng hạ đường huyết nghiêm trọng có thể dẫn đến tổn thương não, hôn mê, thậm chí dẫn tới tử vong. Ngoài ra, việc bị nôn nhiều, mất nước nhiều cũng dễ dẫn đến suy thận, tụt huyết áp. Trường hợp nào bị hôn mê sâu, nằm lâu thì có thể dẫn đến tổn thương cơ, tiêu cơ vân, suy thận…
Bác sĩ khuyến cáo, người thân cần chủ động đánh thức người say rượu, cho ăn cháo loãng, uống nước trái cây… để tránh bị hạ đường huyết. Nếu người sau rượu lâu không tỉnh hoặc không thể ăn uống hoặc ăn vào là nôn, cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
“Nhiều người vẫn chủ quan nghĩ rằng uống rượu thật, rượu xịn thì không sao nhưng kể cả rượu thông thường nếu uống nhiều cũng có thể nguy hiểm tính mạng. Uống rượu nhưng không ăn, gây ra tình trạng no giả, không có năng lượng. Sau khi uống rượu, mọi người thường tiếp tục bỏ bữa, đi ngủ luôn. Trong khi đó, gia đình khi thấy người uống rượu say ngủ cũng thường không đánh thức, không gọi dậy ăn uống. Điều này khiến chỉ số đường huyết của người bệnh giảm sâu, dẫn tới bất tỉnh, tổn thương não…”, TS Nguyễn Trung Nguyên giải thích.