Bệnh đái tháo đường có thể tiến triển từ từ với một số triệu chứng dễ nhận biết lúc đầu, bao gồm đi tiểu thường xuyên, sụt cân và mệt mỏi.
Có hai loại chính của bệnh đái tháo đường là type 1 và type 2. Type 1 thường phát triển ở trẻ em cho đến thanh niên và gây ra các triệu chứng khởi phát nhanh chóng. Bệnh tiểu đường type 2 thường phát triển ở người lớn, mặc dù nó cũng có thể xảy ra ở trẻ em và thường phát triển chậm trong vài năm.
Bạn thậm chí có thể không nhận thấy các triệu chứng của bệnh đái tháo đường type 2 cho đến khi chúng trở nên đáng chú ý.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng hơn 5 triệu người bị đái tháo đường nhưng chỉ khoảng 35% được chẩn đoán, còn lại không biết mình mắc bệnh.
Dấu hiệu sớm của bệnh đái tháo đường ở giai đoạn đầu khá mờ nhạt (Ảnh minh họa: Shutterstock).
Bệnh nhân đái tháo đường nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ bị các biến chứng cấp tính như hôn mê (tăng áp lực thẩm thấu, hạ đường máu…) hoặc các biến chứng mãn tính như các bệnh tim mạch, biến chứng ở bàn chân, mắt…
Vì vậy, việc nhận biết các dấu hiệu của bệnh để có những biện pháp ứng phó kịp thời là vô cùng quan trọng.
Các biểu hiện của bệnh đái tháo đường ở giai đoạn đầu rất khó xác định, dễ nhầm lẫn với triệu chứng các bệnh khác. Tuy nhiên, nếu quan tâm và thường xuyên theo dõi sức khỏe, bạn có thể phát hiện được bệnh đái tháo đường từ sớm.
Dưới đây là 6 dấu hiệu nhận biết sớm bệnh đái tháo đường, theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ:
1. Khát nước nhiều
Luôn cảm thấy khát nước hay muốn uống nước thường xuyên là một trong những dấu hiệu cảnh báo bệnh đái tháo đường.
Bệnh nhân đái tháo đường có lượng đường trong máu cao hơn bình thường. Vì vậy, thận cần phải tạo ra nhiều nước tiểu hơn để đào thải lượng đường dư thừa ra khỏi cơ thể.
Tình trạng này khiến cơ thể sử dụng nhiều nước hơn, thậm chí còn rút nước ra từ mô của cơ thể, khiến người bệnh liên tục cảm thấy khát. Bộ não sẽ yêu cầu người bệnh uống nhiều nước hơn.
2. Đi tiểu nhiều lần
Một người bình thường đi tiểu từ 4 đến 7 lần trong 24 giờ, nhưng những người mắc bệnh đái tháo đường có thể đi nhiều hơn bình thường do quá trình đào thải lượng đường dư ra khỏi cơ thể. Điều này khiến thận luôn hoạt động “hết công suất”, và bạn sẽ đi tiểu thường xuyên hơn.
3. Sụt cân không lý do
Nếu vẫn trong chế độ ăn uống và sinh hoạt bình thường mà bạn bị sụt cân không rõ nguyên nhân thì có thể do bạn bị đái tháo đường. Điều này xảy ra khi lượng đường glucose bị đào thải qua nước tiểu quá nhiều.
Mặt khác, cơ thể không thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng nên phải lấy năng lượng từ mỡ và cơ. Tình trạng này kéo dài sẽ gây tiêu mỡ và sụt cân.
4. Đói và mệt mỏi
Tương tự như sụt cân, việc đói và suy nhược có thể là do cơ thể gặp khó khăn trong việc chuyển hóa năng lượng và hấp thu dưỡng chất. Cơ thể không đủ năng lượng sẽ khiến bạn luôn cảm thấy mệt mỏi. Quá trình hấp thu dưỡng chất kém khiến bạn luôn cảm thấy đói bụng và thèm ăn.
5. Giảm thị lực
Một trong những biến chứng của đái tháo đường là suy giảm thị lực và gây ra các bệnh về mắt. Nếu đột nhiên nhìn không rõ, mờ mắt không hiểu vì sao thì có khả năng là bạn đã mắc bệnh tiểu đường.
6. Suy giảm miễn dịch
Khi bị đái tháo đường, hệ thống miễn dịch suy giảm khiến sức đề kháng yếu đi. Lúc này, cơ thể rất dễ bị nhiễm trùng, sẩn, ngứa không rõ nguyên nhân.
Ngoài ra, theo Healthline, bệnh đái tháo đường cũng có thể gây ra các triệu chứng liên quan đến sức khỏe tình dục nam giới. Chúng có thể bao gồm:
Rối loạn cương dương
Rối loạn chức năng cương dương nghĩa là nam giới không có khả năng đạt được hoặc duy trì sự cương cứng.
Nó có thể là triệu chứng của nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm:
– Huyết áp cao.
– Bệnh thận.
– Bệnh ở hệ thống tuần hoàn và tim.
– Tổn thương dây thần kinh.
– Béo phì.
– Căng thẳng, hút thuốc hoặc một số loại thuốc cũng có thể gây ra rối loạn cương dương.
Nam giới mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ mắc rối loạn cương dương cao hơn. Theo phân tích tổng hợp năm 2017 của 145 nghiên cứu, hơn 50% nam giới mắc bệnh đái tháo đường bị rối loạn cương dương.
Xuất tinh ngược dòng
Nam giới mắc bệnh đái tháo đường cũng có thể phải đối mặt với tình trạng xuất tinh ngược dòng. Điều này dẫn đến một số tinh dịch được giải phóng vào bàng quang. Các triệu chứng có thể bao gồm lượng tinh dịch tiết ra ít hơn đáng kể khi xuất tinh hoặc không xuất tinh.
Các vấn đề về tiết niệu
Các vấn đề về tiết niệu có thể xảy ra ở nam giới mắc bệnh đái tháo đường gồm bàng quang hoạt động quá mức, không có khả năng kiểm soát việc đi tiểu hoặc rò rỉ nước tiểu, khó đi tiểu, nhiễm trùng đường tiết niệu…
Các vấn đề tình dục khác
Nếu bạn đang mắc bệnh đái tháo đường, bạn có thể có mức testosterone thấp hơn những người khác. Lão hóa có thể làm giảm nồng độ testosterone một cách tự nhiên, dẫn đến mất hứng thú với tình dục, mệt mỏi và tâm trạng chán nản, nhưng bệnh đái tháo đường và béo phì làm tăng khả năng có mức testosterone thấp hơn.
Testosterone thấp hơn có thể dẫn đến rối loạn cương dương và các vấn đề sức khỏe tình dục khác. Bạn cũng có thể gặp phải tình trạng số lượng tinh trùng giảm. Điều này có thể làm cho việc thụ thai trở nên khó khăn hơn.