Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ninh

Quang Ninh Wonmen's union

Phụ nữ Quảng Ninh: "Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang"

Chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số

Dành nhiều nguồn lực cho chương trình tổng thể phát triển KT-XH bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi; thời gian qua, nhiều chính sách của tỉnh cùng với sự quan tâm, đóng góp của các sở, ban, ngành, đoàn thể; đời sống của đồng bào DTTS đang ngày càng khởi sắc. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc ổn định tình hình an ninh chính trị, thực hiện thắng lợi các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua Nghị quyết về quy định chính sách trợ giúp pháp lý tại các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025. Ảnh: Đỗ Phương

Tạo sinh kế thoát nghèo bền vững

Trên địa bàn tỉnh hiện có 21 thành phần DTTS với trên 162.000 người, sinh sống chủ yếu ở miền núi, biên giới, hải đảo – nơi còn gặp khá nhiều khó khăn, nhưng lại có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh. Để nâng cao đời sống cho bà con DTTS, tỉnh luôn quan tâm dành nhiều nguồn lực hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, sản xuất để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Hội LHPN tỉnh phối hợp trao mô hình kinh tế nuôi lợn nái cho gia đình chị Lỷ Tài Múi (xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà), tháng 10/2022

Gia đình Anh Lỷ Văn Chiến ở thôn Nam Hả Trong, xã Nam Sơn (huyện Ba Chẽ) từ nhiều năm nay đời sống kinh tế đã khá giả hơn. Được biết, gia đình anh hiện đang trồng rất nhiều các loại cây dược liệu và cây lấy gỗ như: Quế, ba kích, sa mộc… Với mong muốn mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, vào tháng 11/2021, gia đình anh đã được vay vốn 50 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo theo Nghị quyết 06 của tỉnh. Từ nguồn vốn vay, anh Chiến đã trồng thêm được 2ha cây quế, nâng tổng số diện tích hiện có của gia đình lên 12ha.

Anh Chiến cho biết: “Nhờ nguồn vốn vay tín dụng chính sách từ Nghị quyết 06 của tỉnh, tôi đã mở rộng thêm diện tích trồng cây dược liệu để tiếp tục phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của gia đình. Thủ tục vay đơn giản, lãi suất thấp nên người dân dễ dàng vay. Tôi cũng hi vọng thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm để có thêm nhiều người dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này để phát triển kinh tế, có thêm thu nhập, ổn định đời sống”.

Một trong những “chìa khóa” giảm nghèo được triển khai hiệu quả thời gian qua chính là nguồn vốn vay tín dụng chính sách. Các địa phương đã huy động, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay này, ưu tiên tập trung cho địa bàn vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; triển khai kịp thời các chế độ cho các hộ nghèo, cận nghèo tại các địa phương vùng DTTS.

Trong năm 2021-2022, tỉnh đã phân bổ gần 200 tỷ đồng vốn ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH để cho vay, giải quyết việc làm tại 64 xã thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đến nay, từ nguồn vốn ủy thác, Ngân hàng CSXH đã  thực hiện cho vay với trên 2.680 lượt khách hàng với số tiền vay gần 196,9 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm cho bà con vùng DTTS.

Thời gian qua, thực hiện hiệu quả phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi” và “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, Hội LHPN tỉnh đã dành sự quan tâm, giúp đỡ nguồn lực hỗ trợ cho phụ nữ nghèo ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, hải đảo. Các cấp Hội đã hướng dẫn các gia đình hội viên đăng ký các mô hình kinh tế phù hợp với đặc thù của địa phương. Từ đây, nhiều mô hình kinh tế, dịch vụ được phát triển và nhân rộng như: Trồng trà hoa vàng, nuôi bò tại huyện Ba Chẽ, mô hình nuôi dê sinh sản tại huyện Bình Liêu… Nhiều mô hình mới: Nuôi lợn nái, gà thương phẩm, trồng mía tím, lạc đỏ… cũng được thử nghiệm và bước đầu cho kết quả khả quan.

Chị Tằng Sám Múi, xã Đồng Văn (huyện Bình Liêu) cho biết: “Trước đây gia đình tôi chỉ trông vào được ít lúa trồng ở ruộng bậc thang gần nhà. Gia đình tôi không có việc làm ổn định nên đời sống vô cùng khó khăn. Từ khi được Hội LHPN huyện Bình Liêu hỗ trợ 1 cặp dê sinh sản. Đến nay, dê khỏe mạnh, sinh sản được 8 con nên gia đình tôi đã có thêm nguồn thu nhập, cuộc sống bớt khó khăn hơn”.

Mô hình nuôi dê sinh sản đã giúp bà con vùng DTTS xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu dần có cuộc sống ổn định hơn.

Đồng hành cùng bà con DTTS phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, các địa phương đều xây dựng kế hoạch thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống mới và tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, nhiều mô hình kinh tế đã cho thu nhập cao, giúp bà con yên tâm sản xuất như: Trồng rừng, trồng cây quế tại xã Quảng An (huyện Đầm Hà); trồng cây chùm ngây tại xã Đồng Sơn (TP Hạ Long); trồng cây trà hoa vàng, cây ba kích tím, trồng hỗn giao cây gỗ lim và cây dược liệu tại huyện Ba Chẽ; kinh tế hộ gia đình kết hợp trồng cây quế và nuôi gà tại xã Đại Dực (huyện Tiên Yên)…

Các địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng nông sản thông qua việc mở rộng sản xuất theo mô hình VietGAP đối với vùng sản xuất lúa, rau, chè, vải, na; ứng dụng hệ thống quản lý sản xuất an toàn đảm bảo chất lượng hàng hóa.

Cùng với đó, các địa phương cũng triển khai hiệu quả chương trình OCOP với nhiều sản phẩm chất lượng, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con. Đến nay, toàn tỉnh có 556 sản phẩm OCOP, trong đó có 267 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, với 219 chủ thể cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia. Trong đó, vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo có 116 sản phẩm tham gia chương trình, với 60 cơ sở và có 39 sản phẩm đạt 3 sao và 14 sản phẩm đạt 4 sao.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về phát triển bền vững kinh tế – xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” đã hiện thực hóa; hỗ trợ, tạo điều kiện cho đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; nâng cao kỹ năng, kiến thức phù hợp với từng địa bàn. Các địa phương cũng đã cụ thể hóa, xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 06 với mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và đề ra giải pháp cụ thể.

UBND tỉnh đã ban hành các quyết định, kế hoạch triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi giai đoạn 2021-2025; thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025 đối với phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi; xây dựng NTM; giảm nghèo bền vững.

Tổng Công ty Đông Bắc trao kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa bản Lý Khoái, xã Quảng Lâm (huyện Đầm Hà).

Tỉnh cũng luôn chú trọng sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Theo đó, tỉnh đã xây dựng kế hoạch 5 năm (2021-2025) thực hiện chương trình tổng thể phát triển tại vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Trong đó, dự kiến tập trung đầu tư, hỗ trợ đầu tư 101 công trình hạ tầng động lực, thiết yếu với 26 công trình giao thông, 30 công trình thủy lợi, 15 công trình giáo dục, 6 công trình y tế, 10 công trình văn hóa, 2 công trình chợ thương mại, 12 công trình nước sinh hoạt.

Tỉnh đã xây dựng, ban hành, triển khai nhiều đề án thúc đẩy phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo như: Đề án phát triển trường PTDT nội trú chất lượng cao tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; đề án thu hút bác sĩ về làm việc tại tỉnh, nhất là bác sĩ về công tác tại vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; đề án bảo tồn, khôi phục và phát huy các môn thể thao dân tộc tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2025…

Ban Dân tộc tỉnh tập huấn về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ.

Cùng với đó, HĐND tỉnh cũng ban hành Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐND quy định chính sách trợ giúp pháp lý cho người DTTS tại các xã, thôn, bản thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025. Theo đó, người DTTS tại các xã, thôn, bản thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025 được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý từ ngân sách địa phương dưới hình thức tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng, góp phần giúp đồng bào DTTS được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp miễn phí và nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật cho bà con.

Bà con DTTS xã Quảng Lâm (huyện Đầm Hà) tham gia một buổi tuyên truyền về các chính sách DS-KHHGĐ.

Năm 2022, ngân sách tỉnh đã phân bổ cho chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi là 715 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ đầu tư hạ tầng là 565 tỷ đồng và đã giải ngân trên 426,189 tỷ đồng, đạt 75,43% chỉ tiêu kế hoạch giao… Nhờ đó, năm qua, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh ước 0,34%, vượt chỉ tiêu kế hoạch 0,23%. Và với sự quan tâm, đầu tư đồng bộ của tỉnh và các cấp chính quyền, có thể thấy bộ mặt vùng đồng bào DTTS đã thực sự thay đổi rõ rệt; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở đây không ngừng được nâng lên, ngày càng củng cố thêm niềm tin, sự đồng thuận của bà con trong việc phát triển KT-XH, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh.

Theo Vân Anh – TTTT tỉnh
Facebook
Twitter
Telegram
Email

tin tức - sự kiện

Thống kê truy cập

Hôm nay: 0
Hôm qua: 29
Trong tuần: 167

Trong 30 ngày qua: 889
Tổng truy cập: 957996

Đăng ký nhận tin.